Sau gần 40 năm kể từ Đổi mới 1986 và hơn 35 năm sau khoán 10, chưa từng có một văn kiện nào khẳng định trực diện và dứt khoát vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân như Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 04/5/2025 của Bộ Chính trị.

Trong chương trình Góc nhìn Tài chính & Kinh doanh phát sóng trên kênh YouTube Tài chính Kinh doanh, hai chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn – Giám đốc điều hành AFA Capital, đồng sáng lập Cộng đồng Cố vấn Tài chính Việt Nam (VWA) và Long Phan – Chủ tịch sáng lập AFA Capital, sáng lập viên VWA, đã gọi Nghị quyết 68 là “Đổi mới 2.0”, đánh dấu sự chuyển mình lịch sử của tư nhân từ vị thế phụ trợ sang trụ cột số một trong chiến lược phát triển quốc gia.

Đổi mới 2.0: Kinh tế tư nhân được giải phóng như thế nào sau Nghị quyết 68?
“Bộ Tứ Chiến Lược” của Thủ tướng Chính phủ: Trụ cột phát triển mới của quốc gia. Báo Điện tử Chính phủ, AFA Capital.

Tư nhân từ bên lề đến trụ cột số một

Theo ông Long Phan, “Nghị quyết 68 không chỉ là một chính sách kinh tế, mà là bước ngoặt tư duy mang tính chính trị – xã hội về phát triển”. Lần đầu tiên trong một văn kiện cấp cao, cụm từ “kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia” được sử dụng thay cho cách diễn đạt từng gây tranh cãi “một trong những động lực”.

Khu vực kinh tế tư nhân hiện có hơn 940.000 doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh, đóng góp khoảng 50% GDP, hơn 30% tổng thu ngân sách nhà nước và sử dụng khoảng 82% tổng lao động cả nước. Tuy nhiên, trên 96% số doanh nghiệp vẫn là nhỏ và siêu nhỏ, tiềm lực tài chính yếu, năng suất và đổi mới công nghệ còn hạn chế.

Do đó, Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2030 có 2 triệu doanh nghiệp, đến năm 2045 là 3 triệu doanh nghiệp, nâng tỷ trọng đóng góp GDP lần lượt lên 58% và 60%. “Nếu chúng ta thực hiện tốt, các con số này hoàn toàn khả thi trước cả mốc 2050”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhận định.

Đổi mới 2.0: Kinh tế tư nhân được giải phóng như thế nào sau Nghị quyết 68?
Kinh tế tư nhân: Trụ cột tạo việc làm và nguồn thu lớn cho quốc gia. Nguồn: Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Thể chế khai thông, hành lang pháp lý đổi mới

Trọng tâm cải cách đầu tiên của Nghị quyết 68 là giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ pháp luật và điều kiện kinh doanh ngay trong năm 2025. Nghị quyết yêu cầu loại bỏ triệt để cơ chế “xin – cho”, chấm dứt tình trạng “không quản được thì cấm”, chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, số hóa mạnh mẽ hành chính công và sử dụng AI trong điều hành.

Theo ông Tuấn, “Việc chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm, quản trị theo dữ liệu và AI là điều đặc biệt quan trọng trong bối cảnh doanh nghiệp ngày càng đổi mới và linh hoạt hơn”. Bên cạnh đó, nguyên tắc suy đoán vô tội và không hồi tố pháp luật được nhấn mạnh để bảo đảm nhà đầu tư không bị hình sự hóa trong các giao dịch kinh tế, tạo ra sự an toàn pháp lý cho hoạt động sản xuất – kinh doanh.

Mở khóa tài nguyên: đất đai, vốn và nhân lực

Nghị quyết xác định ba yếu tố đầu vào cần được khơi thông: đất đai, tài chính và nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, đến năm 2025, cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai sẽ được hoàn thiện, giao dịch điện tử được triển khai, đồng thời giảm tối thiểu 30% tiền thuê đất trong 5 năm đầu cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Về tài chính, doanh nghiệp được phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ đổi mới sáng tạo, có thể sử dụng để triển khai nghiên cứu hoặc đặt hàng bên ngoài. Bên cạnh đó là chính sách khuyến khích tín dụng xanh, cho vay phi ngân hàng, và đồng tài trợ từ quỹ công – tư. “Đồng tài trợ giúp giảm rủi ro đầu tư ban đầu, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao”, ông Long Phan chia sẻ. Về nhân lực, chương trình đào tạo 10.000 giám đốc điều hành doanh nghiệp tư nhân sẽ được triển khai.

Vượt ngưỡng nội địa, hướng ra chuỗi toàn cầu

Một trong những mục tiêu đáng chú ý của Nghị quyết là đến năm 2030, Việt Nam sẽ có ít nhất 20 doanh nghiệp tư nhân lớn tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Hiện nay, phần lớn doanh nghiệp Việt vẫn chỉ dừng lại ở khâu gia công hoặc phụ trợ cho các tập đoàn FDI. Nhà nước sẽ triển khai ưu đãi thuế cho doanh nghiệp dẫn dắt, phát triển cụm liên kết ngành, và tăng tỷ lệ nội địa hóa trong các dự án FDI.

Ông Long Phan nhận định: “Việt Nam chưa có tập đoàn tư nhân nào vươn tầm như Samsung hay Toyota, nhưng điều đó sẽ thay đổi nếu các giải pháp trong nghị quyết được triển khai đầy đủ”.

Tầm nhìn dài hạn: Tư nhân là động cơ cho quốc gia thu nhập cao

Tầm nhìn đến năm 2045 đặt mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia thu nhập cao, với GDP bình quân đầu người trên 10.000 USD/năm. Theo đó, kinh tế tư nhân không chỉ là trụ cột tăng trưởng, mà còn là hạt nhân đổi mới sáng tạo, sản xuất giá trị gia tăng cao, tạo ra chuỗi sản xuất bền vững và tiêu dùng nội địa mạnh mẽ.

Nghị quyết yêu cầu xây dựng hệ giá trị doanh nghiệp tư nhân bao gồm đạo đức kinh doanh, minh bạch thông tin, tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội. “Đây sẽ là căn cứ để tiếp cận tín dụng, chính sách hỗ trợ và tham gia vào chuỗi giá trị quốc tế một cách bền vững”, ông Nguyễn Minh Tuấn nhấn mạnh.

Chia sẻ trong chương trình, ông Tuấn kết luận: “Mỗi doanh nghiệp là một chiến sĩ trên mặt trận kinh tế. Nghị quyết 68 là tấm bản đồ trận chiến. Và giờ là lúc hành động”. Trong bối cảnh Việt Nam đối mặt với các thách thức hội nhập mới, Nghị quyết 68 chính là động lực để giải phóng nội lực tư nhân và đưa đất nước tiến nhanh về phía trước bằng chính sức mạnh từ bên trong.