Đề xuất bổ sung hành vi bị nghiêm cấm trong Luật
Tại phiên thảo luận sáng 8/5 về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Lê An (đoàn Cao Bằng) đã lên tiếng cảnh báo về tình trạng lạm dụng hóa chất độc hại trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt đối với rau củ và trái cây, đang gây ra những hệ lụy nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng và môi trường.
“Hiện nay, nhiều loại trái cây, rau, củ được thúc chín, giữ tươi lâu bằng hóa chất không rõ nguồn gốc, không qua kiểm soát. Hóa chất được phun trực tiếp vào giống cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật, ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, đặc biệt là trẻ em và người già”, đại biểu Lê An cảnh báo.
Điển hình, vào năm 2022, lực lượng chức năng TP.HCM phát hiện gần 3 tấn trái cây được bảo quản bằng hóa chất không nhãn mác, chứa hoạt chất cấm carbendazim và thiabendazole, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến gan, thận nếu tích tụ lâu dài trong cơ thể.
Trước thực trạng nêu trên, đại biểu đề nghị bổ sung vào Điều 3 một hành vi nghiêm cấm mới: "Sử dụng hóa chất độc hại tác động trực tiếp lên giống cây trồng không theo đúng quy trình bảo vệ thực vật, gây ảnh hưởng đến môi trường và sức khỏe con người." Đồng thời, để tăng cường kiểm soát thị trường hóa chất trôi nổi, bà kiến nghị sửa đổi khoản 4 Điều 3 như sau:
“Cấm sử dụng hóa chất không rõ nguồn gốc, hóa chất thuộc danh mục không được sử dụng để sản xuất, kinh doanh và bảo quản thực phẩm, thuốc, nguyên liệu làm thuốc, mỹ phẩm, thức ăn chăn nuôi, giống cây trồng, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, sản phẩm hóa chất tiêu dùng”.
![]() |
Đại biểu Lê An cũng nhấn mạnh, Luật cần quy định chặt chẽ hơn về việc chuẩn bị và ứng phó sự cố hóa chất tại các cơ sở sản xuất – kinh doanh. |
Yêu cầu cập nhật kịp thời thông tin hóa chất nguy hiểm
Liên quan đến việc phân loại và ghi nhãn hóa chất, đại biểu Đoàn Thị Lê An nhấn mạnh vai trò của thông tin cập nhật trong bảo vệ người dân khỏi nguy cơ hóa chất độc hại.
“Khi phát hiện đặc tính nguy hiểm mới của hóa chất chưa được thể hiện trong thông tin phân loại, tổ chức, cá nhân hoạt động hóa chất phải kịp thời thông báo cho nhà sản xuất, nhập khẩu. Đặc biệt, tổ chức nhập khẩu phải thực hiện lại việc phân loại, ghi nhãn theo quy định của Bộ Công Thương và tạm dừng đưa hóa chất vào lưu thông cho đến khi hoàn tất cập nhật thông tin”, bà An nói.
Đồng thời bà An cũng cho rằng, việc này sẽ ngăn chặn việc hóa chất nguy hiểm tiếp tục lưu hành với thông tin lỗi thời, đồng thời nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và khả năng giám sát của cơ quan chức năng.
Góp ý về nội dung đảm bảo an toàn trong hoạt động hóa chất, đại biểu hoàn toàn nhất trí với quy định mới yêu cầu các cơ sở hoạt động hóa chất phải xây dựng và ban hành các biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất. Tổ chức huấn luyện, thực hành và diễn tập các phương án ứng phó định kỳ.
“Đây không chỉ là yêu cầu kỹ thuật mà là trách nhiệm xã hội. Các vụ cháy nổ, rò rỉ hóa chất thời gian qua – như vụ cháy kho hóa chất tại Long Biên năm 2023, đã cho thấy hậu quả khôn lường nếu không có phương án ứng phó sẵn sàng”, bà Lê An nhấn mạnh.