Đối mặt với làn sóng áp thuế đối ứng ngày càng lan rộng từ Mỹ, minh bạch xuất xứ hàng hóa đang trở thành rào chắn then chốt giúp doanh nghiệp Việt tránh bị cuốn vào tâm bão thương mại toàn cầu.

Tại tọa đàm “Chính sách thuế đối ứng của Mỹ: Tác động và điều chỉnh chiến lược cho Việt Nam” ngày 8/5, PGS.TS Phan Hữu Nghị, Phó Viện trưởng Viện Ngân hàng - Tài chính, (Đại học Kinh tế Quốc dân), nhận định: Để không đánh mất thị trường Mỹ, Việt Nam cần nhanh chóng xây dựng cơ chế chứng minh rõ ràng tỷ lệ xuất xứ – bao nhiêu phần trăm là giá trị tạo ra tại Việt Nam, bao nhiêu từ Trung Quốc, ASEAN hay các quốc gia khác, từ đó mới có thể thiết kế lại chiến lược đàm phán thuế.

PGS.TS Phan Hữu Nghị: Không bóc tách được tỷ lệ xuất xứ, dù 'gắn mác Việt' vẫn bị coi là hàng Trung Quốc
Chỉ khi minh bạch được tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam mới có thể đàm phán được mức thuế hợp lý, giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, xuất khẩu mà không đứt gãy chuỗi cung ứng.

“Chỉ khi minh bạch được tỷ lệ nội địa hóa, Việt Nam mới có thể đàm phán được mức thuế hợp lý, giúp doanh nghiệp tiếp tục sản xuất, xuất khẩu mà không đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Nghị nhận định. Đây là một bước đi mang tính phòng thủ nhưng cần thiết, trong khi Việt Nam vẫn chưa thể kiểm soát hoàn toàn đầu vào sản xuất.

Ví dụ điển hình là tấm pin năng lượng mặt trời - mặt hàng mới đây bị Mỹ áp thuế đối ứng lên đến 3,521%. Lý do: nghi ngờ linh kiện có nguồn gốc từ Trung Quốc được “trá hình” qua Việt Nam hoặc các nước ASEAN. Nếu không chứng minh được rõ hàm lượng giá trị nội địa, nguy cơ tương tự sẽ xảy đến với các ngành có nguy cơ cao như gỗ, dệt may, điện tử, thép hay xe điện.

Ông Nghị cho biết thêm, hiện Mỹ cũng đang điều tra mạnh các dòng sản phẩm pin lithium-ion và linh kiện xe điện, đặc biệt là các lô hàng xuất từ Việt Nam có liên quan đến các tập đoàn công nghệ Trung Quốc. Nếu không chứng minh được tách biệt chuỗi cung ứng, nguy cơ bị áp thuế cao rất hiện hữu. Cuối năm 2024, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra sơ bộ với một số công ty FDI có nhà máy tại Bắc Giang, Hải Phòng liên quan đến pin và mô-đun điện tử, vì nghi vấn “đội lốt” xuất xứ Việt Nam.

Theo PGS.TS Phan Hữu Nghị, nhóm doanh nghiệp gia công – lắp ráp phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI hoạt động trong lĩnh vực điện tử, cơ khí, pin năng lượng, xe điện, chính là “điểm nóng” dễ tổn thương nhất khi Mỹ siết xuất xứ.

"Nếu không chứng minh được hàm lượng nội địa hóa, họ có nguy cơ mất tư cách hưởng thuế ưu đãi, bị áp thuế cao và rơi vào diện điều tra lẩn tránh, kéo theo rủi ro gián đoạn chuỗi cung ứng và đánh mất thị trường xuất khẩu chủ lực", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Điều này đòi hỏi sự chuyển đổi mạnh mẽ trong sản xuất, từ việc xây dựng hệ thống truy xuất xuất xứ đến thay đổi nguồn cung nguyên liệu. Một số doanh nghiệp ngành gỗ và điện tử tại Bình Dương, Đồng Nai... đang bắt đầu đầu tư vào phần mềm quản lý chuỗi cung ứng và làm việc với các nhà cung cấp trong nước để tăng tỷ lệ nội địa hóa.

"Không chỉ Nhà nước cần chuẩn bị chiến lược đàm phán thuế thông minh và hỗ trợ kịp thời, doanh nghiệp cũng phải là người tự cứu mình bằng cách làm rõ hồ sơ xuất xứ, đầu tư chuyển đổi số, đa dạng hóa nguồn cung và chủ động thay đổi mô hình sản xuất", ông Nghị nhấn mạnh.