Theo báo cáo từ Bộ Nông nghiệp và Môi trường, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, Trung Quốc đã áp dụng biện pháp tăng cường kiểm tra dư lượng chất vàng O và cadimi trong sầu riêng nhập khẩu. Điều này khiến khối lượng và giá trị sầu riêng xuất khẩu sang Trung Quốc giảm mạnh, kéo giá sầu riêng trong nước xuống thấp, chỉ bằng một phần tư so với giá xuất khẩu. Ngoài ra, việc thiếu cơ sở pháp lý và quy trình kiểm dịch rõ ràng, công tác quản lý nhà nước về chất lượng và an toàn thực phẩm còn chậm chạp cũng góp phần vào tình trạng này.

Trước thực trạng trên, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã chủ trì cuộc họp khẩn để đưa ra loạt giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng. Bộ trưởng đã yêu cầu các đơn vị của bộ phối hợp chặt chẽ với Hải quan Trung Quốc để xử lý các vướng mắc liên quan đến những yếu tố kỹ thuật đang cản trở đáng kể dòng chảy xuất khẩu. Đồng thời, cần đẩy nhanh tiến độ cấp mã số vùng trồng, phê duyệt cơ sở đóng gói và các phòng thí nghiệm phục vụ xuất khẩu. Quy trình kiểm dịch thực vật cho sầu riêng sẽ được khẩn trương ban hành, làm cơ sở đánh giá lại khả năng xuất khẩu trong năm 2025 và điều chỉnh kế hoạch phù hợp với thực tiễn.

Rào cản khiến sầu riêng Việt 'mắc cạn' ở cửa khẩu Trung Quốc
Sầu riêng Việt đang "mắc cạn" tại cửa khẩu vì quy trình kiểm tra chất vàng O của Trung Quốc. Ảnh minh họa

Về dài hạn, Bộ trưởng yêu cầu hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quản lý xuất khẩu nông sản, với quy định cụ thể hơn về mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói và kiểm nghiệm, giám định. Cùng với đó là việc xây dựng, chuẩn hóa hệ thống tiêu chuẩn kỹ thuật từ sản xuất, thu hoạch, chế biến đến xuất khẩu. Bộ cũng xác định tái cơ cấu ngành sầu riêng theo hướng bền vững là yêu cầu cấp thiết. Bộ trưởng cũng đề nghị cần khuyến khích phát triển các dòng sản phẩm chế biến sâu, nhất là sầu riêng đông lạnh, để nâng cao giá trị gia tăng và giảm lệ thuộc vào thị trường tươi.

Theo số liệu ước tính của Cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 đạt khoảng 120-130 triệu USD, với khối lượng xuất khẩu ước tính 35.000 tấn. Trong khi đó, giá sầu riêng trong nước giảm mạnh, chỉ còn bằng một phần tư so với giá xuất khẩu. Đáng chú ý, hình ảnh sầu riêng được bày bán ven đường với tấm biển '30.000 đồng/kg' đang lan truyền mạnh trên mạng xã hội, gây xôn xao vì đây là mức giá thấp kỷ lục trong vòng 10 năm qua.

Rào cản khiến sầu riêng Việt 'mắc cạn' ở cửa khẩu Trung Quốc
Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam đang được thị trường Trung Quốc chào đón. Ảnh minh họa

Thị trường Trung Quốc vẫn giữ vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của ngành hàng sầu riêng. Tuy nhiên, cạnh tranh ngày càng gay gắt khi các quốc gia khác như Thái Lan, Malaysia, Indonesia và Lào đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt, Thái Lan đã gia tăng thị phần lên 62,3%, so với mức 36,9% cùng kỳ năm trước, vượt Việt Nam giành lại vị trí đầu bảng.

Sầu riêng đông lạnh của Việt Nam được thị trường Trung Quốc mở cửa từ tháng 8/2024. Tuy vậy, đến nay kỳ vọng về sức bật kim ngạch xuất khẩu loại trái cây này vẫn chưa đạt được như mong muốn. Nguyên nhân là do các doanh nghiệp chưa đáp ứng được các yêu cầu kỹ thuật và kiểm định nghiêm ngặt từ phía Trung Quốc, cũng như chưa có sự thống nhất trong hợp đồng giữa các doanh nghiệp hai nước.

Để thúc đẩy xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, các doanh nghiệp cần đảm bảo điều kiện cơ sở đóng gói, vùng trồng; năng lực cấp đông và kho lạnh bảo quản; tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch thực vật của Trung Quốc. Đặc biệt, sầu riêng đông lạnh có nguồn gốc từ các vùng trồng sầu riêng được đăng ký, quản lý và giám sát tại Việt Nam.