Từng được ví như “ngôi sao sáng” trong giới khởi nghiệp công nghệ Việt Nam nhưng sau gần hai thập kỷ hình thành và phát triển, cái tên Tiki giờ đây chỉ còn là tiếng vọng trong cuộc đua thương mại điện tử vốn đang ngày một khốc liệt. Theo DealStreetAsia, định giá mới nhất của Tiki hiện đã rơi xuống dưới 10 triệu USD, một con số gây sốc nếu đặt cạnh mốc gần 1 tỷ USD mà công ty từng tiệm cận vào năm 2021.

Giấc mơ Amazon của Việt Nam và cú trượt dài trên đường đua thương mại điện tử

Tiki được thành lập vào năm 2010 bởi ông Trần Ngọc Thái Sơn (sinh năm 1981) – người khởi nghiệp với số vốn 5.000 USD và ý tưởng bán sách tiếng Anh trực tuyến. Lấy cảm hứng từ Amazon, ông Sơn phát triển Tiki từ gara gia đình thành một trong những sàn thương mại điện tử lớn nhất Việt Nam.

Từ nền tảng bán sách, Tiki nhanh chóng mở rộng sang nhiều ngành hàng khác và ghi dấu ấn với dịch vụ giao hàng nhanh TikiNOW 2h ra mắt năm 2017.

Dưới sự dẫn dắt của ông Sơn, Tiki từng nằm trong nhóm các startup tiềm năng nhất Đông Nam Á, thậm chí được kỳ vọng trở thành "kỳ lân thứ năm" của Việt Nam. Công ty từng được định giá gần 1 tỷ USD sau vòng gọi vốn 258 triệu USD năm 2021, với sự tham gia của các nhà đầu tư lớn như AIA, UBS, Taiwan Mobile và Mirae Asset. Tiki cũng đã lên kế hoạch IPO tại Mỹ và được kỳ vọng trở thành kỳ lân công nghệ Việt Nam. Đến tháng 5/2025, theo nguồn tin của DealStreet Asia, ông Trần Ngọc Thái Sơn đã đệ đơn từ chức CEO.

Startup Việt từng lên kế hoạch IPO tại Mỹ: Từ định giá gần 1 tỷ USD nay tụt xuống dưới ngưỡng 10 triệu USD
Ông Trần Ngọc Thái Sơn - Nhà sáng lập Tiki

Bước ngoặt tiêu cực bắt đầu từ năm 2022, khi TikTok Shop chính thức đặt chân vào thị trường Việt Nam. Cùng với sự xuất hiện của Shopee đã trở thành hai thế lực lớn sở hữu nền tảng tài chính và công nghệ vượt trội – họ nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần thông qua loạt chiến dịch giảm giá, khuyến mãi rầm rộ và mô hình “shoppertainment” đầy cuốn hút. Trong khi đó, Tiki dần trở nên mờ nhạt, vắng bóng trên truyền thông và gần như không có động thái đáng chú ý để phản ứng lại sức ép cạnh tranh.

Thị phần teo tóp, sự hiện hiện ngày càng mờ nhạt dần

Đến quý I/2023, Tiki chính thức bị TikTok Shop vượt mặt, tụt xuống vị trí thứ tư về thị phần với chỉ 2,2%, sau Shopee (63,1%), Lazada (19,1%) và TikTok Shop (15,5%). Trong khi thị trường thương mại điện tử Việt Nam sôi động với các cuộc đua về giá, công nghệ và truyền thông, Tiki gần như "biến mất" khỏi cuộc chơi – vắng bóng trên truyền thông đại chúng và thiếu những phản ứng kịp thời trước sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt.

Phải đến năm 2024, đại diện Tiki mới lên tiếng, lý giải rằng giai đoạn “tạm lặng” trong năm 2023 là thời gian công ty tập trung tái cấu trúc, nâng cấp công nghệ và cải thiện dịch vụ. Sau đó, Tiki tái xuất thị trường bằng loạt chiến dịch ưu đãi và tích hợp một số tính năng mới, kỳ vọng lấy lại lòng tin người tiêu dùng.

Nhưng thực tế cho thấy sự nghỉ ngơi ấy khiến Tiki bị bỏ lại phía sau. Đến cuối năm 2024, theo Metric.vn, thị phần của Tiki co hẹp xuống chưa tới 1%, trong khi Shopee nắm tới 64%, TikTok Shop 29% và Lazada 6%. Cùng thời điểm, Tiki ghi nhận mức tăng trưởng âm nghiêm trọng – khoảng âm 50%, trái ngược hoàn toàn với đà tăng ổn định của các đối thủ.

Startup Việt từng lên kế hoạch IPO tại Mỹ: Từ định giá gần 1 tỷ USD nay tụt xuống dưới ngưỡng 10 triệu USD
Tiki đuối sức trong cuộc đua thương mại điện tử

Tình hình càng trở nên ảm đạm trong quý I/2025. Dữ liệu từ EcomHeat (YouNet ECI) cho thấy nhiều ngành hàng trên Tiki ghi nhận mức giảm hai con số về tổng giá trị giao dịch (GMV). Một số nhóm hàng sụt giảm nghiêm trọng, như ô tô – xe máy giảm 72,5%, thực phẩm – đồ uống giảm 69,9% và ngành hàng sức khỏe giảm 69,1%.

Theo báo cáo của nền tảng phân tích dữ liệu Metric, sau quý I/2025, thị trường thương mại điện tử đã có sự phân chia rõ rệt, Shopee vẫn giữ vững vị trí dẫn đầu với 62% thị phần, TikTok Shop tăng trưởng mạnh mẽ với 35%, Lazada chỉ còn nắm giữ xấp xỉ 3% thị phần, còn Tiki đã quá nhỏ để được Metric ghi nhận trong thống kê.

Trong khi thương mại điện tử Việt Nam tiếp tục ghi nhận tốc độ tăng trưởng hai chữ số mỗi năm, với hàng triệu đơn hàng được xử lý mỗi ngày, Tiki dường như đang tụt lại phía sau một cách không thể cứu vãn. Sự trỗi dậy mạnh mẽ của các nền tảng ngoại, cùng với xu hướng "giải trí hóa" mua sắm, đang đòi hỏi các doanh nghiệp phải vừa nhanh, vừa linh hoạt, vừa sáng tạo – ba yếu tố mà Tiki hiện tại chưa thể đáp ứng.

Từ một thương hiệu từng được coi là biểu tượng nội địa, Tiki giờ đây đang trở thành bài học điển hình cho việc bỏ lỡ chuyển mình trong kỷ nguyên số. Khi thương mại điện tử Việt Nam ngày càng “toàn cầu hóa”, việc không theo kịp xu thế có thể đồng nghĩa với việc bị loại khỏi cuộc chơi.