Thời gian qua, Chính phủ liên tục có văn bản chỉ đạo thúc đẩy đầu tư công, đặc biệt là các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm. Điểm nhấn trong năm nay là ngành đường sắt và tàu điện ngầm đang có sự tham gia sâu của nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn, trong đó có Tập đoàn Hòa Phát (HoSE: HPG).

Tại ĐHĐCĐ diễn ra mới đây, Chủ tịch Trần Đình Long tuyên bố Hòa Phát sẽ tham gia toàn bộ các dự án đường sắt trọng điểm như đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, các tuyến đường sắt đô thị và dự án cấp tỉnh với tổng vốn đầu tư hơn 100 tỷ USD.

Ông Long cho biết, trong cuộc họp tháng 9/2024, Chính phủ đã đặt vấn đề và giao nhiệm vụ cho Hòa Phát sản xuất đường ray tàu hỏa. Tập đoàn đã nhận lời và sẵn sàng đảm nhận vai trò cung ứng thép ray - một phần trong chuỗi hạ tầng đường sắt, từ phần mềm thiết kế cho đến vật tư thi công. Dù không tham gia chế tạo toa tàu hay đầu máy, Hòa Phát cam kết cung cấp đầy đủ vật liệu nền móng phục vụ ngành đường sắt.

Điểm đáng chú ý là nhà máy sản xuất ray thép tại Quảng Ngãi dự kiến khởi công trong tháng 5 tới và sẽ cho ra sản phẩm đầu tiên vào tháng 5/2027. Đây là dòng sản phẩm đặc biệt, yêu cầu tiêu chuẩn kỹ thuật cao và chưa từng có doanh nghiệp Việt Nam nào sản xuất đại trà trước đó.

Việc một tập đoàn tư nhân đầu ngành thép tham gia các dự án giao thông trọng điểm quốc gia đánh dấu bước tiến quan trọng, thể hiện rõ tinh thần chủ động nắm bắt cơ hội trong xu thế mới của doanh nghiệp, góp phần hiện đại hóa hệ thống giao thông đô thị và liên vùng.

Hòa Phát (HPG) bước chân vào chuỗi dự án đường sắt 100 tỷ USD, tạo sức bật cho nền kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên mới
Hòa Phát tuyên bố tham gia toàn bộ các dự án đường sắt trọng điểm của Việt Nam

Khi kinh tế tư nhân được đặt đúng vị trí trong bức tranh phát triển kinh tế

Mới đây, Bộ Chính trị ban hành dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng Bí thư Tô Lâm đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW, trong đó xác định khu vực kinh tế tư nhân là “một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia”. Mục tiêu cụ thể là đến năm 2030, khu vực này đóng góp 55 - 58% GDP, tạo ra khoảng 2 triệu doanh nghiệp, trong đó ít nhất 20 doanh nghiệp đủ sức tham gia chuỗi giá trị toàn cầu. Xa hơn, đến năm 2045, kỳ vọng đạt 3 triệu doanh nghiệp tư nhân, chiếm trên 60% GDP.

Chia sẻ với Báo Công Thương, ông Nguyễn Việt Thắng, Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát nhấn mạnh: “Lần đầu tiên tôi thấy Bộ Chính trị và Chính phủ xác định và chỉ đạo kinh tế tư nhân là một trong những động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia. Đây là vấn đề rất quan trọng, rõ ràng là đặt đúng vị trí của doanh nghiệp tư nhân trong bức tranh phát triển chung”.

Tuy nhiên, ông Thắng cũng lưu ý rằng để kinh tế tư nhân thực sự phát triển, cần tạo ra “một môi trường đủ rộng”, giống như nuôi một đứa trẻ, không chỉ cho ăn hay học mà phải có môi trường sống và phát triển toàn diện. Lãnh đạo Hòa Phát nói: “Mong muốn phát triển thì rất rộng, nhưng đầu tiên là nhìn vào thị trường. Chính phủ cần đảm bảo cạnh tranh lành mạnh cho thị trường nội địa”.

Bên cạnh đó, ông Thắng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc có định hướng phát triển rõ ràng: “Khi Chính phủ muốn có những doanh nghiệp lớn, cần có biện pháp hỗ trợ để họ lớn lên khỏe mạnh. Nhất là trong sản xuất, cần chính sách bảo hộ sản xuất trong nước, hỗ trợ tài chính, tỷ giá… Và cần định hướng rõ ràng cho các ngành kinh tế 5, 10, 20 năm tới, để doanh nghiệp dựa vào đó mà định hình chiến lược phát triển”.

Sự tham gia của các tập đoàn lớn như Hòa Phát vào hạ tầng giao thông trọng điểm cho thấy kinh tế tư nhân đang chuyển mình mạnh mẽ, sẵn sàng đóng vai trò chủ lực trong phát triển đất nước.