Tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai - Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM cho biết, trong tháng 4/2025, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 37,6% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) ước tăng 6,6% so với tháng trước và tăng 10,1% so với cùng kỳ.

Bên cạnh đó, kim ngạch xuất khẩu tháng 4 ước đạt 4,357 tỷ USD, giảm 7,5% so với tháng trước. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 5,17 tỷ USD, giảm 5,4% so tháng trước. Tổng thu du lịch tháng 4 ước đạt 19.919 tỷ đồng, tăng 29,9% so cùng kỳ năm 2024.

Tổng thu ngân sách Nhà nước 4 tháng đầu năm 2025 đạt hơn 202.193 tỷ đồng, đạt 38,88% dự toán, tăng 3,76% so cùng kỳ.

Trong đó, thu nội địa 160.976 tỷ đồng, đạt 41,35% dự toán, tăng 2,84% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 41.214 tỷ đồng, đạt 31,7% dự toán, tăng 7,53% so cùng kỳ. Tổng chi ngân sách địa phương (không tính tạm ứng) là 22.185 tỷ đồng, đạt 12,84% dự toán, tăng 20,49% so cùng kỳ.

Bà Mai thông tin, năm 2025, thành phố được giao giải ngân 85.500 tỷ đồng và đặt mục tiêu giải ngân 95% và phấn đấu 100% vốn. Tính đến ngày 29/4, TP.HCM mới giải ngân 6.068 tỷ đồng, đạt 7,2% trên tổng mức vốn đầu tư công năm 2025.

Hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam giải ngân 7,2% trong 4 tháng đầu năm
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Bà Mai cho biết, TP.HCM đã tổ chức 7 cuộc họp giao ban về đầu tư công, kết hợp với rà soát, giải quyết khó khăn vướng mắc cho các dự án, công trình trọng điểm. Trong đó, thành phố đã có 21 văn bản chỉ đạo liên quan đến đầu tư công.

Tính đến nay, thành phố đã hoàn thành 5 dự án lớn nhân dịp kỷ niệm 30/4 và đang tập trung tiến độ dự án trọng điểm còn lại.

Theo đề xuất của bà Mai, trong các tháng tiếp theo, các đơn vị cần thực hiện mạnh mẽ, quyết liệt những nhiệm vụ mà Chính phủ, Thành ủy đã giao; tập trung giải quyết thủ tục đầu tư cho các dự án lớn có khả năng đẩy nhanh giải ngân đầu tư công.

Trong đó có bốn dự án BOT như dự án nâng cấp mở rộng Quốc lộ 1, Quốc lộ 22, đường trục Bắc Nam từ Nguyễn Văn Linh đến cao tốc Bến Lức – Long Thành, Quốc lộ 13. Các dự án này có vốn khoảng 35.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, hai dự án đang hoàn thiện thủ tục đầu tư gồm cải tạo rạch Văn Thánh với 5.561 tỷ đồng và cầu đường Bình Tiên với 871 tỷ đồng.

Ngoài ra, 9 dự án có kế hoạch giải ngân trong năm 2025 có quy mô khoảng 16.873 tỷ đồng. Trong đó, dự án cao tốc TP.HCM – Mộc Bài được dự kiến có thể hoàn thành các thủ tục theo đúng kế hoạch, trong tháng 6 tới sẽ giải ngân được 4.000 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, các đơn vị cũng cần khẩn trương giải quyết dứt điểm khó khăn, vướng mắc cho các dự án; rút ngắn 30% thời gian giải quyết thủ tục đầu tư công theo yêu cầu của UBND thành phố. Vấn đề này được TP.HCM đặt ra từ năm 2024 nhưng đến nay nhiều dự án vẫn không đảm bảo được.

TP.HCM là đầu tàu, trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại lớn nhất cả nước, là hạt nhân của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, trái tim của Đông Nam Bộ. Với vai trò của mình, TP.HCM đã và đang tập trung nỗ lực để đến năm 2030 trở thành một đô thị văn minh, hiện đại, đi đầu trong sự công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, có vị trí nổi trội ở khu vực Đông Nam Á. Tầm nhìn đến năm 2045, TP.HCM trở thành đô thị phát triển ngang tầm các thành phố lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn trên toàn cầu; kinh tế-văn hóa-xã hội phát triển đặc sắc, bền vững, có chất lượng sống cao, hội nhập kinh tế sâu rộng.