Từng được coi là "ngôi sao sáng" tại Đông Nam Á, thị trường Việt Nam đang chứng kiến tốc độ tăng trưởng doanh thu của Grab chậm lại đáng kể trong năm 2024. Bên cạnh áp lực nội tại, sự trỗi dậy mạnh mẽ của các đối thủ nội địa như Xanh SM và Be Group đang khiến "gã khổng lồ" công nghệ phải đối mặt với những thách thức chưa từng có.

Theo báo cáo thường niên 2024 của Grab Holdings Ltd, doanh thu Grab tại Việt Nam đạt 228 triệu USD, tăng gần 23% so với mức 185 triệu USD năm 2023. Tuy vẫn giữ mức tăng trưởng hai chữ số, nhưng so với mức tăng tới 70% của năm 2023, đà phát triển này cho thấy dấu hiệu chững lại rõ rệt.

Việt Nam hiện đóng góp khoảng 8,15% vào tổng doanh thu khu vực của Grab – thấp hơn so với các thị trường trọng điểm như Malaysia (816 triệu USD), Indonesia (643 triệu USD) và Singapore (578 triệu USD). Thậm chí, Philippines (265 triệu USD) cũng đang vượt Việt Nam về giá trị tuyệt đối.

Doanh thu chững lại, Grab lần đầu mất ngôi vương tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam vào tay Xanh SM sau một thập kỷ

Sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng tại Việt Nam, thị trường từng được Grab kỳ vọng là "cứ điểm chiến lược", cho thấy những áp lực cạnh tranh ngày càng lớn mà công ty này phải đối mặt.

Xanh SM bứt phá, Be Group âm thầm vươn lên

Cuộc chơi trên thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam trở nên gay gắt hơn bao giờ hết khi Xanh SM – thương hiệu xe điện của Tập đoàn Vingroup – chính thức vượt mặt Grab trong quý IV/2024. Theo số liệu từ Mordor Intelligence, Xanh SM chiếm 37,41% thị phần taxi công nghệ, đẩy Grab xuống vị trí thứ hai với 36,62%.

Thành công của Xanh SM đến từ việc tận dụng làn sóng "xanh hóa" phương tiện giao thông, đồng thời chú trọng nâng cao trải nghiệm khách hàng với chất lượng dịch vụ đồng đều. Mô hình giá cước minh bạch, không phụ phí, cùng việc vận hành đội xe điện VinFast đã tạo dựng hình ảnh tích cực trong mắt người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, Xanh SM cũng đang lấn sân sang mảng giao đồ ăn, nơi GrabFood hiện đang đối đầu gay gắt với ShopeeFood. Nếu mở rộng thành công, Xanh SM có thể tiếp tục gây sức ép mạnh mẽ lên hệ sinh thái dịch vụ của Grab tại Việt Nam.

Ngoài Xanh SM, Be Group – một doanh nghiệp thuần Việt – cũng đang bứt phá đáng kể. Theo báo cáo của VIRAC, Be đã đạt mức tăng trưởng doanh thu gấp 8 lần trong giai đoạn 2022–2024 và hiện nắm 5,5% thị phần.

Doanh thu chững lại, Grab lần đầu mất ngôi vương tại thị trường gọi xe công nghệ Việt Nam vào tay Xanh SM sau một thập kỷ
Thị phần các hãng gọi xe công nghệ tại Việt Nam

Be Group chọn chiến lược phát triển thành "siêu ứng dụng" (super app) với đa dịch vụ: gọi xe, giao hàng, đặt vé máy bay, tàu hoả, xe buýt… trên một nền tảng duy nhất. Cách tiếp cận này giúp Be tận dụng hiệu ứng hệ sinh thái, gia tăng mức độ gắn bó của người dùng.

Đầu năm 2024, Be Group còn thành công gọi vốn 30 triệu USD, mở rộng năng lực vận hành và tiếp tục đẩy mạnh các chiến dịch marketing nhắm tới nhóm khách hàng trẻ.

Bài toán của Grab: Tái định vị hoặc tụt lại phía sau

Grab gia nhập Việt Nam năm 2014 với pháp nhân GrabTaxi. Từ mức doanh thu chỉ 1,5 tỷ đồng năm đầu, công ty nhanh chóng vươn lên quy mô hàng nghìn tỷ đồng, đặc biệt sau khi sáp nhập Uber Đông Nam Á năm 2018.

Tuy nhiên, dù doanh thu tăng trưởng nhanh, Grab Việt Nam liên tục ghi nhận thua lỗ lũy kế lớn, với mức lỗ khoảng 4.300 tỷ đồng đến cuối năm 2019. Điều này phản ánh thách thức nội tại về khả năng sinh lời thực chất.

Trong bối cảnh thị trường thay đổi nhanh chóng, đối thủ nội địa ngày càng mạnh, và người tiêu dùng đòi hỏi dịch vụ tốt hơn, chi phí hợp lý hơn, chiến lược "đốt tiền" đổi tăng trưởng của Grab đang bộc lộ hạn chế. Nếu không có bước tái định vị rõ ràng, Grab có nguy cơ tụt lại trong một thị trường gọi xe công nghệ dự kiến đạt 2,56 tỷ USD vào năm 2030 (theo Mordor Intelligence).

Giữ vững thị phần, củng cố lòng tin người dùng và tìm kiếm các mô hình vận hành hiệu quả hơn sẽ là những thách thức lớn đối với Grab trong giai đoạn tới.