4716-chul
Hình minh họa (nguồn internet)

Dịch COVID-19 đã làm thay đổi mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội toàn cầu và Việt Nam cũng không ngoại lệ. Thị trường chứng khoán Việt Nam cũng chịu tác động không nhỏ khi giảm điểm rất mạnh trong thời gian đầu đại dịch xuất hiện (quý I/2020) nhưng đã nhanh chóng hồi phục mạnh mẽ trong suốt năm 2020.

Bước sang năm 2021, thị trường tiếp tục duy trì đà tăng ấn tượng trong nửa đầu năm 2021. Dù điều chỉnh giảm khá mạnh trong tháng 7, song đây là nhịp giảm cần thiết và thực tế thị trường chứng khoán đã dần hồi phục từ đầu tháng 8 tới nay.

Thị trường chứng khoán duy trì đà tăng liên tục là do sự cộng hưởng của nhiều nguyên nhân khác nhau song một yếu tố nhận thấy rất rõ nét là sự gia tăng đến bất ngờ của nhà đầu tư mới hay còn được gọi là nhà đầu tư “F0”.

Dễ nhận thấy trong 2 năm trở lại đây, thuật ngữ F0 đã trở nên quen thuộc trên thị trường chứng khoán Việt Nam. F0 được định nghĩa là những nhà đầu tư mới tham gia thị trường do hiệu ứng giãn cách của dịch COVID-19. Sức mạnh của làn sóng F0 đã giúp chứng khoán Việt Nam đạt được những đỉnh cao mới.

Trong năm 2020, lượng tài khoản mở mới liên tục tăng mạnh và sự sôi động kéo dài sang cả năm 2021.

Thống kê cho thấy, từ tháng 3/2020 đến nay, số lượng tài khoản nhà đầu tư mở mới tiếp tục tăng mạnh qua từng tháng. Đặc biệt, từ tháng 3/2021, số lượng tài khoản chứng khoán mở mới hàng tháng liên tục lập kỷ lục trong lịch sử thị trường, khi duy trì 5 tháng liên tiếp đều vượt mốc 100.000 tài khoản mở mới/tháng (đỉnh điểm là tháng 6/2021 với 141.000 tài khoản mở mới).

Ông Michael Kokalari - Chuyên gia Kinh tế trưởng, Công ty Quản lý quỹ Vinacapital cho biết, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán mới của các nhà đầu tư cá nhân đã tăng gấp đôi trong năm 2020 và chỉ trong nửa đầu năm 2021, tổng số tài khoản mới nhiều hơn số tài khoản mới trong năm 2019 và 2020 cộng lại.

Ông Michael Kokalari lý giải rằng, sự sôi động của thị trường chứng khoán gần đây một phần bắt nguồn từ mức giảm khoảng 1,5% của lãi suất tiền gửi ngân hàng kỳ hạn 1 năm cũng như từ kỳ vọng tăng trưởng 36% của thị trường trong năm 2021 so với năm trước.

“Lãi suất bắt đầu giảm từ đầu năm 2020 đã thúc đẩy nhiều người tìm kiếm các kênh đầu tư thay thế khi các khoản tiền gửi của họ đáo hạn, tương ứng với sự gia tăng số tài khoản giao dịch chứng khoán cá nhân mở mới hàng tháng trong biểu đồ trên”, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Vinacapital cho hay.

“Nhà đầu tư Việt Nam vốn ưu tiên đầu tư vào bất động sản, vàng rồi mới đến chứng khoán. Tuy nhiên, thị trường bất động sản Việt Nam gần đây giảm dần vì một số lý do bao gồm việc chậm trễ tiến độ xây dựng do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trong khi vàng hiện cũng mất dần sức hút khi chênh lệch giá mua bán đã thu hẹp từ năm ngoái và vì giá vàng Việt Nam đã cao hơn 17% so với giá vàng thế giới. Do vậy, chứng khoán là lựa chọn hàng đầu”, ông Michael Kokalari phân tích thêm.

Phân tích của công ty chứng khoán "lệch sóng" vì dòng tiền F0
Từ năm 2019 trở về trước, việc thanh khoản bình quân phiên đạt mức “tỷ đô” dường như là điều mà nhiều nhà đầu tư kỳ cựu ít dám nghĩ tới. Vì vậy, với những phiên thanh khoản đạt tới 30 – 31.000 tỷ đồng trong thời gian gần đây đã vượt qua cả mong đợi.

Sự tham gia mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân mới cũng gắn liền với dòng tiền “F0” gia nhập thị trường chứng khoán và đóng vai trò rất quan trọng hỗ trợ cho đà tăng của điểm số và thanh khoản. VN-Index vượt đỉnh mọi thời đại và đi kèm với đó là thanh khoản thị trường Việt Nam cũng liên tiếp lập kỷ lục mới.

Dòng tiền này cũng đã trở thành dòng tiền dẫn dắt thị trường thời gian qua. Từ năm 2020, khối ngoại đã liên tục bán ròng, đà bán ròng càng mạnh hơn trong những tháng đầu năm 2021. Tuy nhiên, thị trường vẫn đi lên cho thấy dòng tiền nội đang “cân” vốn ngoại.

Theo nhận định của các chuyên gia, dòng tiền cũng đang giúp giảm áp lực margin đối với thị trường.

Không dừng lại ở đó, dòng tiền này cũng đang cải thiện hình ảnh của thị trường chứng khoán. Theo ông Nguyễn Chí Trung Phó Giám đốc Khối Dịch vụ Chứng khoán - CTCP Chứng khoán SSI, dòng tiền F0 đã giúp “đơn giản hóa” nhận thức về một kênh đầu tư tiềm năng vốn được xem là quá phức tạp. Sự nhập cuộc mạnh mẽ từ các nhà đầu tư cá nhân mới trong nước đã góp phần giúp cho xã hội nhìn nhận rõ hơn, tốt hơn về thị trường chứng khoán đồng thời góp phần tạo sự sôi động cho thị trường, khơi thông một kênh dẫn vốn khá quan trọng. Cả phía nhà đầu tư cũng có cơ hội tốt hơn khi có nhu cầu cho nguồn tiền nhàn rỗi của mình trong khi các doanh nghiệp niêm yết cũng dễ dàng hơn trong việc thu hút nguồn tiền đồng hành cho hoạt động sản xuất kinh doanh.

Thị trường hiện tại đang hưởng lợi nhiều từ dòng tiền F0 tuy nhiên nhà đầu tư vẫn cần chú ý rủi ro hiện hữu. Ông Nguyễn Kim Chi – Nhà sáng lập nhóm đầu tư HelloStock đánh giá dòng tiền F0 hiện tại với độ máu lửa khác so với thế hệ đầu tư trước. Tiêu chí đơn giản là lướt sóng tìm kiếm lợi nhuận chênh lệch. Lượng F0 vào các nhóm ngành hấp dẫn đã đẩy một số ngành như ngân hàng, chứng khoán… tăng nóng.

Ông Chi cảnh báo cổ phiếu tăng nóng sẽ tạo ra rủi ro. Cần lưu ý là nguồn cung cổ phiếu trên thị trường là có giới hạn. Hiện lượng tiền từ F0 vào thị trường đang cân đối với lượng hàng nhà đầu tư lớn nắm giữ nhiều năm nay bán ra. Tuy nhiên, tính liên kết của F0 yếu nên khi có biến động thì thị trường sẽ dễ đổ vỡ dẫn tới đảo chiều mạnh. Do đó, nhà đầu tư nên bắt đầu thận trọng với các nhóm ngành đã tăng nóng trong thời gian qua.

Việc nhà đầu tư thấy cơ hội nên tham gia thị trường là hết sức bình thường nhưng đây là con dao hai lưỡi. Khi thấy thị trường dễ kiếm lời, nhà đầu tư mới sẽ tham gia tuy nhiên phần thưởng cũng có thể dễ dàng mất đi, thậm chí âm tiền.

Để tránh tâm lý FOMO, ông Chi khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên tham gia đầu tư với tư duy dài hạn, nhìn hiệu quả sinh lời trên chu kỳ đầu tư nhất định chứ không phải theo từng lần mua bán.

Dòng tiền cá nhân trong nước chi hơn 12.380 tỷ đồng gom cổ phiếu trong tháng 8/2021

Trong tháng 8/2021, dòng tiền cá nhân trong nước tiếp tục mua ròng 12.380 tỷ đồng - gấp 8,7 lần so với tháng 7; đây ...

Tự doanh CTCK bán ròng hơn 3.350 tỷ đồng sau 8 tháng

Kết thúc tháng 8/2021, dòng tiền khối tự doanh công ty chứng khoán giao dịch không quá tích cực khi tiếp tục bán ròng 120 ...

Tháng 8/2021: Dòng tiền rổ VN30 dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu Midcap và Smallcap

Cùng với sự suy yếu của nhóm cổ phiếu ngân hàng, trong tháng 8/2021 dòng tiền chứng khoán được ghi nhận đã dịch chuyển mạnh ...