![]() |
Chuyên gia Nguyễn Thế Minh |
Trong bối cảnh thị trường chứng khoán Việt Nam đối mặt cú giảm sâu chưa từng có sau thông tin liên quan chính sách thuế quan từ Mỹ, nhiều nhà đầu tư lo lắng về rủi ro mới. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Minh – Giám đốc Phân tích khối Khách hàng cá nhân, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam – chính những biến động mạnh có thể mở ra cơ hội “tái định vị danh mục” trong một thị trường đang đi về vùng hấp dẫn hơn.
Rủi ro ngắn hạn – cơ hội dài hơi
Phiên giao dịch ngày 3/4 ghi nhận VN-Index đóng cửa dưới mốc 1.230 điểm – đây không chỉ là vùng hỗ trợ quan trọng đầu năm 2025 mà còn đánh dấu một mặt bằng định giá mới. Theo ông Nguyễn Thế Minh, P/E thị trường hiện tại đã giảm về 11–12 lần, trong khi P/E dự phóng cho năm 2025 chỉ còn khoảng 10 lần – vùng định giá từng xuất hiện trong các giai đoạn “thiên nga đen” như năm 2008 hay 2022.
“Những lúc thị trường rơi mạnh, đó cũng là lúc nhà đầu tư giá trị bắt đầu cân nhắc cơ hội. Câu nói ‘hãy tham lam khi người khác sợ hãi’ không phải là lý thuyết suông. Khi định giá rẻ đi và tâm lý hoảng loạn bao trùm, thị trường có thể dần tái tạo lại kỳ vọng”, ông nói.
Với bối cảnh hiện tại, vị chuyên gia cho rằng các doanh nghiệp có thị trường nội địa vững, ít phụ thuộc xuất khẩu sẽ có lợi thế. Đây là nhóm có thể hưởng lợi khi dòng tiền có xu hướng tránh né rủi ro thuế quan và tìm đến các ngành ít chịu ảnh hưởng từ biến động toàn cầu.
Đáng chú ý, khối ngoại tiếp tục bán ròng mạnh trong ba tháng đầu năm 2025. Riêng phiên 3/4, giá trị bán ròng hơn 3.700 tỷ đồng trên toàn thị trường. Tuy nhiên, theo ông Minh, việc khối ngoại rút vốn không hoàn toàn do biến động thị trường mà phần lớn đến từ chênh lệch lợi suất giữa USD và VND.
“Dù hiện tại vẫn bán ròng, tôi cho rằng trong thời gian tới, mức độ có thể sẽ giảm dần. Nhiều tổ chức tài chính đã giảm tỷ lệ sở hữu đáng kể và khi mặt bằng giá xuống thấp, sẽ xuất hiện lực mua thăm dò trở lại. Nhất là với các cổ phiếu có nền tảng cơ bản tốt nhưng bị cuốn theo đà giảm”, ông nhận định.
Chuyên gia Yuanta Việt Nam cũng kỳ vọng câu chuyện nâng hạng thị trường và điều hành lãi suất có thể trở thành chất xúc tác giúp dòng vốn ngoại quay lại trong nửa cuối năm nay.
![]() |
Diễn biến giao dịch khối ngoại trong một tháng gần nhất |
Thị trường phân hóa mạnh, đâu là chiến lược sinh tồn?
Với diễn biến hiện tại, ông Minh cho rằng thị trường không đơn thuần đang ở trạng thái “bán tháo” mà có thể đang chuyển sang giai đoạn lọc lại danh mục.
“Dòng tiền sẽ tạm rút khỏi các nhóm chịu rủi ro trực tiếp từ thuế quan như dệt may, thủy sản, đồ gỗ, da giày… Thay vào đó, có thể xuất hiện sự chú ý trở lại với các doanh nghiệp hưởng lợi từ thị trường nội địa, ít phụ thuộc chuỗi cung ứng toàn cầu, ví dụ như ngân hàng, công nghệ, logistics, thậm chí là nhóm thép”, vị chuyên gia phân tích.
Đây cũng là thời điểm phù hợp để nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao chủ động thanh lọc và tái cơ cấu danh mục, với ưu tiên chọn cổ phiếu có định giá thấp và ít chịu ảnh hưởng từ chính sách thuế quốc tế.
Không loại trừ khả năng thuế quan sẽ không chỉ là cú sốc ngắn hạn mà trở thành biến số dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh khó đoán định dưới chính sách mới thời Trump 2.0. Trước kịch bản này, ông Nguyễn Thế Minh khuyến nghị nhà đầu tư cá nhân nên thiết lập lại chiến lược đầu tư mang tính phòng thủ và có chiều sâu.
“Giữ tỷ trọng cổ phiếu có nền tảng cơ bản, giảm dùng margin, ưu tiên doanh nghiệp có thị trường nội địa lớn là yếu tố nhà đầu tư cần xem xét. Song song đó, cần phân bổ một phần vào các tài sản an toàn như trái phiếu hoặc vàng – tất nhiên là với điểm vào phù hợp sau các nhịp điều chỉnh”, ông Minh khuyến nghị.
Dù rủi ro chính sách đang gia tăng, chuyên gia Yuanta cho rằng đây là giai đoạn thị trường phân hóa rõ nét; những nhà đầu tư điềm tĩnh, biết chọn lọc hoàn toàn có thể “sống sót và bật lên” sau nhiễu động.