Quốc hội vừa ban hành Nghị quyết số 222/2025/QH15 về việc thành lập và vận hành Trung tâm tài chính quốc tế (TTTCQT) tại Việt Nam, đánh dấu một cột mốc quan trọng trong lộ trình đưa đất nước trở thành mắt xích tài chính trong chuỗi giá trị toàn cầu. Hai trung tâm đầu tiên sẽ được đặt tại Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng, với cơ chế, chính sách đặc thù chưa từng có tiền lệ.

Một trong những điểm đột phá lớn nhất của nghị quyết này là quy định cho phép các giao dịch đầu tư, kinh doanh trong TTTCQT được lựa chọn áp dụng pháp luật nước ngoài. Cụ thể, đối với những giao dịch có ít nhất một bên tham gia là tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài, các bên có quyền thỏa thuận lựa chọn luật nước ngoài để điều chỉnh giao dịch đó. Trong trường hợp không có thỏa thuận, pháp luật của quốc gia có mối liên hệ gắn bó nhất với giao dịch sẽ được áp dụng.

Tuy nhiên, cơ chế này vẫn đặt trong khuôn khổ bảo vệ lợi ích quốc gia: pháp luật nước ngoài sẽ không được chấp nhận nếu có nội dung trái với các nguyên tắc cơ bản của pháp luật Việt Nam. Riêng với các giao dịch liên quan đến bất động sản tại Việt Nam, pháp luật Việt Nam vẫn giữ vai trò chủ đạo.

Một yếu tố đáng chú ý khác là việc quy định sử dụng tiếng Anh là ngôn ngữ chính thức trong giao dịch tại TTTCQT. Các tài liệu, báo cáo, quy chế và quy trình hành chính đều được ban hành bằng tiếng Anh hoặc kèm theo bản dịch tiếng Việt. Quy định này nhằm đảm bảo khả năng tiếp cận, sử dụng và tương tác trực tiếp của các nhà đầu tư và tổ chức tài chính quốc tế với thị trường Việt Nam.

Phá vỡ khuôn khổ cũ: Giao dịch tại Trung tâm tài chính quốc tế được lựa chọn áp dụng luật nước ngoài
Giao dịch tại Trung tâm tài chính quốc tế được lựa chọn áp dụng luật nước ngoài. Ảnh minh họa.

Bên cạnh cơ chế pháp lý đặc thù, TTTCQT còn được tổ chức và vận hành theo mô hình tinh gọn, minh bạch và đạt chuẩn quốc tế. Chính phủ sẽ thiết lập một bộ máy điều hành và giám sát hiệu quả, đủ thẩm quyền, được áp dụng thủ tục hành chính đặc biệt để đáp ứng yêu cầu từ các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Nghị quyết cũng tạo hành lang pháp lý để Chính phủ linh hoạt xử lý các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện, kể cả trong trường hợp có sự khác biệt với các luật hiện hành. Các văn bản điều hành tiếp theo phải bảo đảm lợi ích quốc gia, quyền lợi doanh nghiệp và người dân, đồng thời phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định nội bộ của Đảng.

Từ cơ chế pháp lý đặc thù đến mô hình vận hành và ngôn ngữ sử dụng, Trung tâm tài chính quốc tế không chỉ là một bước tiến lớn trong thu hút đầu tư mà còn là phép thử về năng lực cải cách thể chế của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên, hành lang pháp lý cho một khu vực tài chính đặc biệt mở ra khả năng hòa nhập sâu vào hệ thống tài chính toàn cầu – một tín hiệu mạnh mẽ về quyết tâm cải tổ và hội nhập quốc tế của nền kinh tế Việt Nam.