Số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài - Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong 11 tháng, Việt Nam đã thu hút thêm gần 29 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 14,8% so với cùng kỳ năm ngoái. Vốn đầu tư thực hiện đạt hơn 20 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023.

Cụ thể, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân, rót vốn vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước, Trong đó, Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, chiếm gần 10,8% tổng vốn đầu tư đăng ký, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.

TP HCM xếp thứ hai với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 3,08 tỷ USD, chiếm 10,7% tổng vốn đầu tư cả nước, giảm 12,9% so với cùng kỳ. Tiếp theo lần lượt là Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đăng ký lần lượt là 2,8 tỷ USD, 2,7 tỷ USD và 2,6 tỷ USD.

Top 5 địa phương thu hút FDI cao nhất cả nước 11 tháng 2023: Quảng Ninh giữ vững ngôi vương, thứ hạng top 4 thay đổi ra sao? - Ảnh 1.

"Số dự án đầu tư mới tăng 58,1% so với cùng kỳ, tập trung nhiều vào các tỉnh, thành phố có nhiều lợi thế trong thu hút FDI gồm cơ sở hạ tầng tốt, nguồn nhân lực ổn định, nỗ lực cải cách thủ tục hành chính và năng động trong công tác xúc tiến đầu tư… như TP HCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Bình Dương. Riêng 4 địa phương này đã chiếm tới 67,4% số dự án mới của cả nước trong 11 tháng", Cục Đầu tư nước ngoài nhận định.

Xét theo đối tác đầu tư, trong 11 tháng đã có 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 10.9% so với cùng kỳ 2022. Hồng Kông (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.

Hàn Quốc đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,17 tỷ USD, chiếm gần 14,5% tổng vốn đầu tư, tăng nhẹ 1,2% so với cùng kỳ. Trung Quốc đứng thứ 4 với 3,96 tỷ USD, và vị trí thứ 5 là Nhật Bản, 3,1 tỷ USD.

Tổng vốn FDI của Nhật Bản vào Việt Nam kể từ thời kỳ đổi mới đến nay luôn giữ vững trong nhóm các quốc gia dẫn đầu. Cụ thể, tổng số vốn đầu tư còn hiệu lực luỹ kế đến cuối năm 2022 là gần 69,2 tỷ USD, xếp thứ ba sau Hàn Quốc và Singapore.

Với việc Việt Nam và Nhật Bản vừa trở thành Đối tác Chiến lược toàn diện thì có thể trong thời gian tới, vốn FDI từ Nhật Bản sẽ có sự gia tăng đáng kể.