![]() |
Nguồn: tradingeconomics.com |
Tại 6: 06 AM ngày 01/5/2025 , giá dầu Brent giảm 2,089 USD, tương đương 3,3%, xuống còn 61,191 USD/thùng. Trong khi đó, dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ giảm mạnh 2,124 USD, tương đương 3,52%, ở mức 58,296 USD/thùng – thấp nhất kể từ tháng 3 năm 2021. Tính chung trong tháng, dầu Brent đã giảm 15% và WTI giảm tới 18%, ghi nhận mức giảm theo tháng lớn nhất kể từ tháng 11 năm 2021.
Sự sụt giảm diễn ra sau khi Saudi Arabia phát đi tín hiệu cho thấy họ không còn mặn mà với việc cắt giảm sản lượng để hỗ trợ giá dầu, đồng thời sẵn sàng chấp nhận giai đoạn giá thấp kéo dài nhằm bảo vệ thị phần toàn cầu. “Điều này làm dấy lên lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến sản lượng mới,” chuyên gia phân tích cấp cao Phil Flynn từ Price Futures Group nhận định.
Trước đó, trong tháng này, Saudi Arabia đã thúc đẩy kế hoạch tăng sản lượng OPEC+ vượt ngoài dự kiến trong tháng 5. Theo các nguồn tin từ Reuters, một số thành viên OPEC+ đang lên kế hoạch tiếp tục tăng sản lượng trong tháng 6 – tháng thứ hai liên tiếp nhóm này nâng sản lượng. Cuộc họp tiếp theo của OPEC+ dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 5 tháng 5 để thảo luận về các kế hoạch sản xuất tiếp theo.
Cùng lúc, cuộc chiến thương mại đang leo thang giữa hai nền kinh tế tiêu thụ dầu lớn nhất thế giới – Hoa Kỳ và Trung Quốc – tiếp tục gây sức ép lên giá dầu. Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố áp thuế lên toàn bộ hàng nhập khẩu vào ngày 2 tháng 4, và Trung Quốc cũng nhanh chóng đáp trả bằng các biện pháp tương tự.
“Chiến tranh thương mại làm giảm trực tiếp nhu cầu dầu và hạn chế hoạt động đi lại của người tiêu dùng”, nhà phân tích chiến lược đầu tư Pavel Molchanov từ Raymond James nhận định. “Kết hợp với việc OPEC dỡ bỏ chính sách cắt giảm sản lượng, nguy cơ dư thừa nguồn cung đang gia tăng”.
Ngoài ra, những tín hiệu tiêu cực từ nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đè nặng lên giá dầu. Số liệu công bố ngày thứ Tư cho thấy kinh tế Mỹ đã suy giảm trong quý I, nguyên nhân chủ yếu do lượng hàng hóa nhập khẩu tăng đột biến khi các doanh nghiệp tìm cách tránh chi phí cao hơn do thuế quan.
Một cuộc khảo sát của Reuters cho thấy các biện pháp thuế quan của chính quyền Trump có thể khiến kinh tế toàn cầu rơi vào suy thoái ngay trong năm nay. Niềm tin tiêu dùng tại Mỹ cũng đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 5 năm vào tháng 4, do người dân lo ngại về tác động từ các chính sách thuế.
Tuy nhiên, một yếu tố tích cực đã phần nào hạn chế đà giảm giá: tồn kho dầu thô Mỹ bất ngờ giảm trong tuần kết thúc vào ngày 25 tháng 4, nhờ xuất khẩu và nhu cầu từ các nhà máy lọc dầu tăng cao. Theo Cơ quan Thông tin Năng lượng Mỹ (EIA), lượng tồn kho giảm 2,7 triệu thùng, xuống còn 440,4 triệu thùng – trái ngược với kỳ vọng tăng 429.000 thùng theo khảo sát của Reuters.