Giá dừa tươi và dừa khô tại Bến Tre, Tiền Giang – hai thủ phủ dừa lớn nhất cả nước – đang tăng vọt lên mức cao kỷ lục, đạt 150.000–170.000 đồng/12 quả dừa tươi và 200.000–210.000 đồng/12 quả dừa khô. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, theo ghi nhận từ các nhà vườn địa phương.
Nguyên nhân chính được xác định là cung không đủ cầu. Thương lái hiện phải lùng sục tận vườn để thu mua, trong khi năng suất cây dừa sụt giảm do ảnh hưởng của hạn mặn những năm trước và sự tấn công của sâu bệnh. Trong khi đó, nhu cầu thị trường trong và ngoài nước, đặc biệt từ Mỹ và Trung Quốc, đang tăng mạnh.
![]() |
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm 2025 có thể đạt khoảng 500 triệu USD và thậm chí có thể vượt mốc 1 tỷ USD nếu được thúc đẩy đúng hướng. Ảnh minh họa |
Dự báo, kim ngạch xuất khẩu dừa tươi năm 2025 có thể đạt khoảng 500 triệu USD và thậm chí có thể vượt mốc 1 tỷ USD nếu được thúc đẩy đúng hướng. Trước đó, vào ngày 24/10/2024, lô dừa tươi đầu tiên từ Tiền Giang đã chính thức được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc bằng đường sắt liên vận quốc tế với gần 70 tấn dừa, mở ra kỳ vọng mới cho ngành dừa Việt Nam.
Ông Trần Hoàng Nhật Nam, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Tiền Giang, cho biết ngành nông nghiệp tỉnh đã kiến nghị UBND tỉnh xây dựng đề án phát triển cây dừa, phối hợp với các sở, ngành và địa phương để tận dụng tiềm năng đặc thù của loại cây này.
Ngoài ra, tỉnh cũng đang đẩy mạnh thành lập các hợp tác xã trồng dừa, khuyến khích nông dân tham gia để dễ dàng kết nối với doanh nghiệp và chuỗi tiêu thụ. Các sở, ngành liên quan sẽ hỗ trợ xây dựng thương hiệu, chuỗi liên kết, truy xuất nguồn gốc và đặc biệt là mở rộng thị trường xuất khẩu chính ngạch, nhất là hướng tới Trung Quốc thông qua Nghị định thư về dừa đang được xúc tiến.
Với triển vọng sáng sủa từ thị trường quốc tế và sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương, ngành dừa Việt Nam đang đứng trước “thời điểm vàng” để bứt phá về sản lượng, giá trị và vị thế toàn cầu.
Một quả dừa khác với bất kỳ loại trái cây nào khác bởi vì nó chứa một lượng “nước” đáng kể bên trong, đây là lý do tại sao khi chưa chín trái dừa có thể được thu hoạch để uống. Khi chín, nó vẫn chứa một ít nước, mặc dù lượng ít hơn. Khi một quả dừa chín hơn nữa, các lớp nội nhũ được lắng đọng ở bên trong thành của quả dừa, tạo nên ‘thịt’ dừa có thể ăn được. Vì vậy, dừa có rất nhiều công dụng và ứng dụng trong suốt các giai đoạn phát triển khác nhau của nó, đó là lý do tại sao dừa có mặt trong khẩu phần ăn hàng ngày trên toàn thế giới, dưới dạng này hay dạng khác. |