Trong tháng 4/2025, xuất khẩu của Việt Nam không còn duy trì được đà tăng trưởng mạnh mẽ như quý I khi mức xuất siêu chỉ đạt 0,58 tỷ USD – giảm gần 81% so với tháng 3 trước đó. Tuy nhiên, trong bối cảnh khu vực FDI vẫn giữ tỷ trọng lớn về kim ngạch, sự vươn lên mạnh mẽ của doanh nghiệp nội địa cả về xuất khẩu lẫn nhập khẩu cho thấy nền kinh tế Việt Nam đang tái cấu trúc theo hướng chủ động, cân bằng hơn. Đây là thời điểm chứng kiến chuyển dịch mô hình từ tăng trưởng theo lượng sang tăng trưởng theo chất – một bước ngoặt có ý nghĩa dài hạn.

Xuất khẩu của doanh nghiệp nội tăng trưởng vượt FDI, kinh tế Việt Nam chuyển mình sang giai đoạn mới?
Diễn biến cán cân thương mại hàng hóa Việt Nam từ tháng 01/2024 đến 04/2025. Nguồn: Cục Thống kê Việt Nam (NSO).

Nội địa tăng tốc xuất khẩu

Theo báo cáo của Cục Thống kê Việt Nam (NSO), tốc độ tăng trưởng xuất khẩu trong tháng 4/2025 của doanh nghiệp trong nước đạt tới 25,7% so với cùng kỳ – vượt xa mức tăng 17,2% của khối doanh nghiệp FDI. Kim ngạch xuất khẩu nội địa tháng này đạt 11,66 tỷ USD, chiếm gần 31% trong tổng giá trị xuất khẩu, trong khi khu vực FDI đạt 25,79 tỷ USD. Tỷ trọng này đã cao hơn đáng kể so với mức 27% cùng kỳ năm 2024 – cho thấy xu thế chuyển dịch rõ rệt về vai trò xuất khẩu.

Tính chung 4 tháng đầu năm 2025, doanh nghiệp trong nước đã xuất khẩu tổng cộng 40,74 tỷ USD – tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, doanh nghiệp FDI đạt 101,46 tỷ USD, tăng 14,3%. Tỷ trọng xuất khẩu nội địa trong tổng kim ngạch cả nước đã vươn lên mức gần 30%, phản ánh xu thế dịch chuyển cấu trúc thương mại nghiêng về khu vực nội địa.

Điều đặc biệt đáng chú ý là cơ cấu xuất khẩu của doanh nghiệp nội đang có sự chuyển đổi rõ nét sang các nhóm hàng giá trị gia tăng cao. Trong đó, dệt may, gỗ chế biến và nông sản đang dẫn đầu nhờ tận dụng hiệu quả các ưu đãi thuế quan trong các hiệp định thương mại tự do. “Sự cải thiện cả về chất và lượng cho thấy doanh nghiệp trong nước đang từng bước gia nhập chuỗi giá trị toàn cầu ở những phân khúc cao hơn”, theo đánh giá của Cục Thống kê (NSO).

Xu thế xuất khẩu này không chỉ giúp mở rộng thị trường, tăng thu ngoại tệ mà còn đóng vai trò quan trọng trong giảm phụ thuộc vào vốn và công nghệ ngoại nhập – tạo nền tảng cho một chiến lược phát triển kinh tế độc lập và tự chủ hơn trong dài hạn.

Tái đầu tư sản xuất: Nhập khẩu tăng không còn là nỗi lo

Tháng 4/2025, tổng kim ngạch nhập khẩu của doanh nghiệp trong nước đạt 14,48 tỷ USD – tăng 26% so với cùng kỳ năm trước, trong khi khu vực FDI chỉ tăng 21%. Đây là tháng có tốc độ tăng nhập khẩu cao nhất kể từ đầu năm. Cơ cấu nhập khẩu chủ yếu tập trung vào các nhóm hàng phục vụ sản xuất như máy móc, thiết bị, vải sợi, hóa chất và linh kiện điện tử.

Tổng cộng 4 tháng đầu năm, doanh nghiệp trong nước đã nhập khẩu 51,26 tỷ USD – tăng 26,2% so với cùng kỳ. Mặc dù nhập siêu ở mức 10,5 tỷ USD, nhưng theo nhận định của Cục Thống kê (NSO), “khoản nhập siêu này chủ yếu phục vụ cho tái đầu tư sản xuất, chứ không phải cho tiêu dùng, và do đó không tạo ra áp lực tiêu cực như trước”.

Trong khi đó, doanh nghiệp FDI nhập khẩu 81,4 tỷ USD – tăng 16,4%. Khoảng cách tăng trưởng nhập khẩu giữa hai khu vực tiếp tục nới rộng, cho thấy khối nội địa đang tích cực tái cấu trúc và mở rộng quy mô sản xuất.

Cũng theo Cục Thống kê (NSO), “tốc độ tăng trưởng nhập khẩu đầu vào của doanh nghiệp trong nước là tín hiệu rõ ràng về kỳ vọng phục hồi và nâng cấp chuỗi sản xuất nội địa”. Nếu xu thế này tiếp tục, cán cân thương mại nội địa có thể được cải thiện hơn nữa trong các tháng tới, đồng thời tạo động lực cho tăng trưởng bền vững.

Thị trường Mỹ, EU giữ vai trò chủ lực

Hoa Kỳ tiếp tục giữ vững vị thế là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2025 với kim ngạch lên tới 43,4 tỷ USD, tăng 24,9% so với cùng kỳ. Trong khi đó, nhập khẩu từ Mỹ chỉ ở mức 5,7 tỷ USD, tạo ra thặng dư thương mại khổng lồ 37,7 tỷ USD – mức cao nhất trong số tất cả các đối tác. Đây là kết quả từ chiến lược khai thác thị trường hiệu quả, nhất là các mặt hàng như điện thoại, dệt may và gỗ nội thất.

Xuất khẩu của doanh nghiệp nội tăng trưởng vượt FDI, kinh tế Việt Nam chuyển mình sang giai đoạn mới?
Bức tranh xuất nhập khẩu hàng hóa Việt Nam với các đối tác lớn 4 tháng đầu năm 2025. Nguồn: Cục Thống kê Việt Nam (NSO).

Thị trường EU mang lại thặng dư 13,4 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm, chủ yếu nhờ xuất khẩu các nhóm hàng như nông sản chế biến, thủy sản, da giày và dệt may. Nhật Bản cũng duy trì vị thế thị trường chiến lược với mức thặng dư 0,7 tỷ USD – cho thấy khả năng duy trì thị phần tại các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn chất lượng cao.

Ở chiều ngược lại, Trung Quốc là thị trường nhập siêu lớn nhất với con số lên tới 35,1 tỷ USD trong 4 tháng đầu năm. Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc tới 53,2 tỷ USD – tăng 26,5%, trong khi xuất khẩu chỉ đạt 18,1 tỷ USD – tăng 2,1%. “Khoảng cách chênh lệch lớn này là yếu tố cần đặc biệt lưu tâm trong điều hành thương mại đối ngoại”, theo Cục Thống kê (NSO).

Ngoài ra, Việt Nam cũng nhập siêu từ Hàn Quốc 9,6 tỷ USD và từ ASEAN 5,4 tỷ USD. Tuy nhiên, các khoản nhập siêu này chủ yếu đến từ các mặt hàng đầu vào phục vụ sản xuất như linh kiện điện tử, máy móc, nguyên vật liệu, chứ không phải hàng tiêu dùng. Do đó, chúng phản ánh xu thế tăng đầu tư sản xuất, chứ không phải dấu hiệu của sự phụ thuộc tiêu cực vào nhập khẩu.