Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, trong đó đề xuất tăng mạnh các mức phạt đối với hành vi gian lận, trốn đóng bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Dự thảo dự kiến được trình Quốc hội xem xét, thông qua theo thủ tục rút gọn tại kỳ họp tháng 10 tới.
Ba điều luật được sửa đổi đáng chú ý là Điều 214 (tội gian lận BHXH, BHTN), Điều 215 (tội gian lận BHYT) và Điều 216 (tội trốn đóng BHXH, BHTN, BHYT).
Theo dự thảo mới, người giả mạo hồ sơ, thẻ BHYT hoặc sử dụng thẻ không hợp lệ (như thẻ giả, thẻ bị thu hồi, sửa chữa, cấp khống, hoặc mượn thẻ của người khác) để đi khám bệnh và hưởng chế độ bảo hiểm y tế trái quy định, sẽ bị xử lý hình sự nếu số tiền chiếm đoạt từ 20 triệu đồng hoặc gây thiệt hại từ 40 triệu đồng trở lên.
Hình phạt tương ứng được đề xuất là phạt tiền từ 40 triệu đồng, hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Đây là mức phạt gấp đôi so với quy định hiện hành (tối thiểu 20 triệu đồng). Mức xử phạt này được áp dụng cho cả các hành vi như lập hồ sơ bệnh án khống, kê đơn thuốc sai thực tế, kê khống chi phí dịch vụ kỹ thuật, vật tư y tế, giường bệnh...
Với trường hợp phạm tội có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp hoặc chiếm đoạt, gây thiệt hại từ 200–400 triệu đồng trở lên, người vi phạm có thể bị phạt tiền đến 400 triệu đồng hoặc phạt tù từ 1 đến 5 năm.
![]() |
Dùng thẻ BHYT giả hoặc mượn thẻ người khác để khám chữa bệnh có thể bị phạt từ 40 triệu đồng, thậm chí xử lý hình sự theo luật mới. |
Tại Điều 216 của dự thảo, hành vi trốn đóng bảo hiểm cho người lao động sẽ bị xử lý hình sự nếu số tiền vi phạm từ 100 triệu đồng trở lên (hiện hành là 50 triệu đồng). Mức phạt tiền theo đó cũng được nâng từ 200 triệu lên tối thiểu 400 triệu đồng.
Đối với pháp nhân thương mại (doanh nghiệp và tổ chức kinh tế), mức phạt thấp nhất đề xuất là 400 triệu đồng và cao nhất là 6 tỷ đồng, tùy theo mức độ vi phạm và hậu quả gây ra.
Theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tính đến cuối năm 2022, tình trạng chậm đóng bảo hiểm xảy ra ở mọi loại hình doanh nghiệp, với số tiền phải tính lãi lên tới 13.150 tỷ đồng. Đặc biệt, hơn 4.000 tỷ đồng trong số đó rơi vào diện khó thu hồi, chủ yếu từ các doanh nghiệp phá sản, giải thể, hoặc chủ bỏ trốn.
Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi lần này được kỳ vọng sẽ tăng tính răn đe, bịt lỗ hổng pháp lý và nâng cao kỷ luật tài chính trong lĩnh vực bảo hiểm – nơi liên quan trực tiếp đến quyền lợi của hàng chục triệu người lao động và ngân sách nhà nước.