Kết thúc tuần giao dịch, giá vàng thế giới chốt ở mức 3.326 USD/ounce, tăng hơn 87 USD/ounce so với đầu tuần. Quy đổi theo tỷ giá niêm yết tại Vietcombank (chưa bao gồm thuế, phí), giá vàng thế giới tương đương khoảng 104,8 triệu đồng/lượng.
![]() |
Giá vàng thế giới tăng trở lại trong phiên cuối tuần |
Giá vàng thế giới trong tuần từng có thời điểm điều chỉnh sâu, nhưng nhanh chóng bật tăng trở lại nhờ đồng USD suy yếu. Dollar Index giảm 0,3% đã góp phần hỗ trợ đà tăng của giá vàng, giúp kim loại quý này trở nên hấp dẫn hơn với nhà đầu tư nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Bên cạnh đó, giá vàng còn nhận được lực đẩy từ thông tin Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) mua ròng 70.000 ounce vàng trong tháng 4, đánh dấu tháng thứ 6 liên tiếp quốc gia này tăng dự trữ vàng.
Đồng thời, Tổng thống Mỹ Donald Trump tiếp tục làm nóng thị trường khi tuyên bố mức thuế 80% với hàng hóa Trung Quốc là “hợp lý”, trong bối cảnh hai bên chuẩn bị bước vào vòng đàm phán mới nhằm hạ nhiệt căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
“Rõ ràng, sự bất ổn kéo dài liên quan đến chính sách thuế quan vẫn là yếu tố chính hỗ trợ cho giá vàng”, ông David Meger - Giám đốc giao dịch kim loại tại High Ridge Futures nhận định. Tuy nhiên, ông cũng lưu ý rằng thị trường có thể bước vào giai đoạn điều chỉnh hoặc tích lũy sau nhiều tháng tăng mạnh.
Ngoài ra, yếu tố địa chính trị cũng gia tăng áp lực lên thị trường tài chính toàn cầu. Căng thẳng quân sự giữa Ấn Độ và Pakistan tiếp tục leo thang, với cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn.
Các cuộc pháo kích và tấn công bằng thiết bị bay không người lái (UAV) tiếp tục diễn ra trong đêm 10/5 tại khu vực Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Trong khi đó, tiếng nổ từ các hệ thống phòng không vẫn vang lên tại nhiều thành phố, tương tự như cục diện đêm trước đó.
Ở thị trường vật chất, nhu cầu tại Ấn Độ vẫn yếu do giá vàng nội địa tiệm cận mức kỷ lục vì đồng rupee suy yếu.
Về chính sách, Thống đốc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Michael Barr cho biết, các chính sách thương mại của Tổng thống Trump có thể khiến lạm phát tăng, tăng trưởng chậm lại và tỷ lệ thất nghiệp cao hơn trong thời gian tới. Điều này sẽ đặt Fed vào thế khó khi phải lựa chọn giữa kiềm chế lạm phát hay hỗ trợ tăng trưởng.