Ngay từ đầu năm 2025, đầu tư công đã được Chính phủ xác định là trụ cột chính sách tài khóa nhằm thúc đẩy tổng cầu, hỗ trợ tăng trưởng và tạo động lực lan tỏa tới khu vực tư nhân trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều bất ổn và dư địa tiền tệ dần bị thu hẹp.
Để thực thi quyết liệt mục tiêu này, hàng loạt chỉ đạo đã được ban hành sớm như Công điện số 16/CĐ-TTg ngày 18/2/2025, Quyết định số 523/QĐ-TTg ngày 6/3/2025 và Nghị quyết số 46/NQ-CP ngày 8/3/2025. Kết quả được Bộ Tài chính ghi nhận tại Công văn số 3892/BTC-ĐT ngày 29/3/2025 cho thấy, dòng vốn đầu tư công đã bắt đầu khơi thông, song khoảng cách giữa các đơn vị vẫn còn rất lớn, đòi hỏi tiếp tục quyết liệt cải cách, tổ chức lại năng lực thực thi để đẩy nhanh tiến độ đồng đều hơn nữa trong quý II và các tháng cuối năm.
![]() |
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet. |
Khởi đầu vững chắc, tiếp sức mạnh mẽ cho phục hồi kinh tế
Tính đến hết tháng 3/2025, tổng vốn đầu tư công đã giải ngân ước đạt 78.712 tỷ đồng, bằng 8,98% kế hoạch Quốc hội thông qua (876.638,2 tỷ đồng) và tương đương 9,53% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Dù thấp hơn mức 12,27% cùng kỳ năm 2024, nhưng xét trong bối cảnh nhiều địa phương và bộ ngành vẫn đang hoàn thiện các khâu chuẩn bị đầu tư, đây là kết quả tích cực, cho thấy các biện pháp chỉ đạo đầu năm đã bước đầu phát huy hiệu quả.
Trong đó, chương trình mục tiêu quốc gia giải ngân được 3.638,8 tỷ đồng, đạt 16,57% kế hoạch Thủ tướng giao, vượt xa mức bình quân toàn quốc. Kết quả này phản ánh sự ưu tiên rõ rệt cho các dự án an sinh xã hội, phát triển vùng sâu vùng xa, thúc đẩy phát triển đồng đều giữa các khu vực và tạo dư địa tăng trưởng bền vững về lâu dài.
Một số đơn vị thực sự nổi bật về tiến độ giải ngân trong quý I. Trong khối trung ương, Đài Tiếng nói Việt Nam giải ngân tới 73,82%, Ngân hàng Chính sách xã hội 41,16%, Bộ Công an 23,73% và Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam 20,37%. Ở khối địa phương, các tỉnh như Phú Thọ (35,04%), Bắc Kạn (28,85%), Tuyên Quang (28,14%), Hà Nam (25,58%), Lào Cai (22,89%), Hà Giang (21,75%) và Bình Định (20,25%) đều vượt xa mặt bằng chung.
Điểm chung của các đơn vị giải ngân tốt là đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ cuối năm trước, đẩy nhanh tiến độ hoàn tất thủ tục đầu tư, thiết kế – dự toán, đấu thầu và phân bổ kế hoạch chi tiết. Việc giải ngân sớm ngay từ quý I không chỉ giúp giảm áp lực “dồn toa” vào cuối năm mà còn đóng vai trò kích hoạt sớm các chuỗi cung ứng, tăng tốc sản xuất – tiêu dùng và khơi dậy kỳ vọng thị trường.
39 đơn vị dưới 5%: Tín hiệu cần xử lý kịp thời để tránh lỡ nhịp
Tuy nhiên, bên cạnh các “điểm sáng” nêu trên, vẫn còn 39 bộ, cơ quan trung ương và địa phương giải ngân dưới 5% kế hoạch vốn được giao. Trong đó, đáng chú ý có 17 cơ quan trung ương chưa giải ngân bất kỳ đồng nào, bao gồm: Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Thanh tra Chính phủ, Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Bộ Ngoại giao, Kiểm toán Nhà nước, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Hội Nhà văn Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam, Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Y tế, Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh và Bộ Công Thương.
Ngoài ra, có 16 bộ, ngành khác và 6 địa phương gồm TP. Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, TP. Cần Thơ, Quảng Ninh, Cà Mau và Bình Phước cũng nằm trong nhóm giải ngân dưới 5%. Đây đều là những đơn vị đầu tàu kinh tế, có quy mô kế hoạch vốn lớn, do đó tiến độ chậm càng khiến hiệu ứng lan tỏa của đầu tư công bị hạn chế.
Nguyên nhân chủ yếu, theo Bộ Tài chính, là do chưa phân bổ chi tiết toàn bộ kế hoạch vốn, chưa hoàn thành thủ tục đầu tư, còn vướng mắc trong thẩm định thiết kế, đấu thầu hoặc chưa có khối lượng thực hiện làm cơ sở thanh toán. Nhiều dự án đang trong giai đoạn điều chỉnh chủ trương hoặc chưa tất toán vốn kế hoạch năm trước, gây chậm trễ theo dây chuyền.
Dù vậy, các vướng mắc này hoàn toàn có thể tháo gỡ nếu người đứng đầu đơn vị xác định đúng trọng tâm, tăng cường công tác tổ chức thực hiện, nâng cao hiệu quả phối hợp và triển khai ngay các đoàn kiểm tra thực địa như chỉ đạo của Chính phủ. Việc “chậm nhưng không dừng lại” sẽ là tiền đề quan trọng để các đơn vị này bứt tốc mạnh mẽ trong quý II.
Vốn nước ngoài: Khai thông càng sớm, hiệu quả càng lớn
Một điểm cần đặc biệt lưu ý là tỷ lệ giải ngân vốn vay nước ngoài tiếp tục duy trì ở mức rất thấp. Tính đến hết quý I/2025, chỉ khoảng 420,19 tỷ đồng được giải ngân, đạt 1,71% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Đây là tỷ lệ thấp nhất trong các nguồn vốn đầu tư công, đặt ra yêu cầu cấp thiết về cải cách quy trình tiếp nhận và rút vốn.
Các khó khăn chính nằm ở khâu đàm phán hiệp định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật theo tiêu chuẩn quốc tế, lựa chọn nhà thầu phù hợp và đảm bảo đủ điều kiện rút vốn theo quy định nhà tài trợ. Ngoài ra, nhiều địa phương vẫn chưa ban hành quyết định giao vốn chi tiết hoặc chưa bố trí đủ vốn đối ứng, ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân toàn bộ dự án.
Trong bối cảnh Việt Nam đang tăng cường hợp tác quốc tế và cần thêm nguồn lực cho phát triển hạ tầng, vốn ODA và vốn vay ưu đãi đóng vai trò cực kỳ quan trọng, nhất là với các lĩnh vực khó thu hút đầu tư tư nhân như y tế, giáo dục, môi trường và giao thông liên vùng. Việc chậm giải ngân không chỉ làm chậm tiến độ công trình mà còn ảnh hưởng đến uy tín quốc gia, tiềm ẩn nguy cơ bị cắt giảm hoặc thu hồi vốn đã cam kết.
Do đó, Bộ Tài chính đề nghị các bộ, cơ quan trung ương và địa phương liên quan cần sớm kiện toàn đầu mối quản lý dự án, đào tạo chuyên sâu cán bộ, rà soát lại quy trình thủ tục, đồng thời chủ động trao đổi, phối hợp với các nhà tài trợ để xử lý các vướng mắc kỹ thuật và pháp lý ngay từ đầu quý II.
Tỷ lệ giải ngân không đơn thuần là con số kỹ thuật
Với mục tiêu giải ngân vốn đầu tư công trên 95% trong năm 2025, Chính phủ và Bộ Tài chính đã xác định rõ tinh thần chỉ đạo: “Giao vốn đúng nơi, giải ngân đúng lúc, hiệu quả đúng mục tiêu”. Tỷ lệ giải ngân không đơn thuần là con số kỹ thuật, mà là thước đo trực tiếp cho năng lực điều hành, trách nhiệm người đứng đầu và hiệu quả sử dụng nguồn lực công.
Trên cơ sở kết quả quý I, Bộ Tài chính kiến nghị tiếp tục đẩy mạnh giám sát hiện trường, công bố công khai định kỳ danh sách đơn vị chậm giải ngân, kiên quyết thu hồi và điều chuyển vốn từ dự án kém hiệu quả sang dự án có tiến độ tốt. Đồng thời, đề xuất cơ chế thưởng – phạt rõ ràng, ưu tiên bổ sung vốn cho các đơn vị vượt kế hoạch, có chất lượng giải ngân cao.
Cùng với đó là yêu cầu gắn giải ngân với kết quả đánh giá công vụ, trách nhiệm của lãnh đạo bộ, ngành và địa phương, kết hợp với việc sử dụng công cụ số hóa, hệ thống dữ liệu thời gian thực và nền tảng giám sát thông minh để theo dõi, cảnh báo sớm các điểm nghẽn.
Khi đầu tư công được thúc đẩy không chỉ bằng mệnh lệnh hành chính, mà bằng cơ chế minh bạch, linh hoạt, có giám sát và động lực rõ ràng, thì mỗi đồng vốn ngân sách sẽ thực sự trở thành đòn bẩy để nền kinh tế phục hồi nhanh, phát triển mạnh và bền vững trong năm 2025 và các năm tiếp theo.