Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn do lạm phát, căng thẳng địa chính trị, các chính sách thuế quan của Mỹ và sự mất giá của đồng USD, ngày càng nhiều quốc gia tính đến chiến lược “hồi hương vàng” – đưa vàng dự trữ từ nước ngoài trở về trong nước.
Theo Hội đồng Vàng Thế giới (WGC), làn sóng này đã bắt đầu lan rộng tại châu Âu. Các quốc gia như Đức và Italy bắt đầu xem xét đưa hàng trăm tấn vàng từ Mỹ và Anh về nước.
Hai quốc gia này nằm trong số những nước nắm giữ dự trữ vàng lớn nhất thế giới, chỉ sau Mỹ. Cụ thể, Đức hiện đang nắm giữ khoảng 3.352 tấn vàng, trong khi Italy sở hữu 2.452 tấn. Khoảng 1/3 số vàng của 2 nước này vẫn đang được lưu giữ tại Mỹ, với tổng giá trị vượt 245 tỷ USD.
Không dừng lại ở đó, Hiệp hội Người nộp thuế châu Âu (TAE) cũng từng công khai yêu cầu các quốc gia EU đưa vàng về châu Âu hoặc ít nhất phải kiểm toán độc lập số vàng cất giữ ở Mỹ.
Các quốc gia như Pháp, Ấn Độ, Thụy Sĩ và Trung Quốc cũng sở hữu một phần dự trữ vàng tại Mỹ và Anh. Đáng chú ý, Ấn Độ đã bắt đầu hồi hương vàng từ London trong năm 2024.
![]() |
Nhiều ngân hàng trung ương đã và đang tính đến việc hồi hương vàng từ Mỹ và châu Âu. Ảnh minh họa |
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đã đi trước xu hướng từ lâu. Vào năm 2017, khoảng 90% trong tổng số 120 tấn vàng dự trữ của nước này vẫn đang nằm ở nước ngoài. Tuy nhiên, đến cuối năm 2018, toàn bộ 28,7 tấn vàng nằm tại Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và 18,7 tấn tại Ngân hàng Trung ương Thụy Sĩ (BIS) đã được đưa về nước.
Tổng cộng, Thổ Nhĩ Kỳ đã hồi hương khoảng 350 tấn vàng trong giai đoạn này, nâng tổng dự trữ từ 488,9 tấn vào năm 2018 lên 719,2 tấn vào cuối năm 2020.
Đặc biệt, giá trị vàng dự trữ hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ đã vượt dự trữ ngoại hối. Theo số liệu tính đến ngày 20/6 từ Ngân hàng Trung ương Thổ Nhĩ Kỳ, dự trữ vàng của quốc gia này đã đạt 85,1 tỷ USD, vượt xa mức 70,7 tỷ USD dự trữ ngoại tệ. Con số này đã tăng gấp hơn 4 lần so với mức 19,9 tỷ USD hồi năm 2018.
Theo Diễn đàn Chính sách Tiền tệ Chính thức (OMFIF), tổng dự trữ vàng của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu đã đạt 36.000 tấn vào năm 2024 – tiệm cận đỉnh 38.000 tấn từng được thiết lập trong thời kỳ Bretton Woods (1945–1971). Dự báo đến năm 2026, con số này có thể vượt mốc 38.300 tấn.
Xu hướng hồi hương vàng phản ánh mối lo ngày càng lớn của các ngân hàng trung ương về nguy cơ bị đóng băng tài sản ngoại hối hoặc bị loại khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu trong trường hợp xảy ra xung đột địa chính trị hoặc bị áp đặt trừng phạt tài chính.
Việc tăng tích trữ và hồi hương vàng không chỉ là biện pháp phòng thủ tài chính, mà còn là tín hiệu cho thấy các quốc gia không còn sẵn sàng phó thác sự ổn định tài chính quốc gia vào tay hệ thống do Mỹ dẫn dắt.
Trong khi đó, tại chính nước Mỹ – nơi đang lưu trữ phần lớn số vàng của nhiều quốc gia, câu chuyện minh bạch tại kho dự trữ vàng nổi tiếng Fort Knox (Kentucky) tiếp tục gây tranh cãi.
Cục Đúc tiền Mỹ khẳng định, 147,3 triệu ounce vàng tại đây được kiểm toán thường niên. Tuy nhiên, vẫn tồn tại nhiều nghi ngờ cho rằng một phần vàng đã bị bán đi một cách bí mật. Đáp lại, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã bác bỏ các nghi vấn, khẳng định toàn bộ số vàng vẫn còn nguyên vẹn.
Theo Kitco News