Tại chợ Thổ Quan (phường Văn Miếu, quận Đống Đa), tiểu thương như chị Nguyễn Thị Thu chứng kiến cảnh mua bán chưa từng có. "Mọi khi mỗi loại rau tôi mua vài chục bó, bán suốt ngày nhưng hôm nay đến 10 giờ sáng đã không còn bó rau nào", chị chia sẻ. Rau xanh, đặc biệt là rau mùng tơi, rau ngót và rau muống được tiêu thụ nhanh hơn khoảng 30% so với ngày thường. Các quầy thịt lợn bên cạnh, vốn dĩ thường xuyên trong cảnh ế ẩm, nay cũng “hết sớm, vắng người từ trưa”.
Tương tự, khi phóng viên đến ghi nhận thì tình trạng hết hàng giữa buổi là phổ biến: "09 giờ đã chỉ còn lại vài quả chanh và dưa chuột", bà Đào bán rau tại chợ cho biết. Bà cũng xác nhận lượng khách tăng khoảng 30%, khiến việc nhập hàng chỉ đủ dùng, không dám lấy trữ nhiều. Giá rau có tăng nhẹ, chỉ thêm 1.000–2.000 đồng/mớ (rau mùng tơi từ 5.000 lên 7.000 đồng, rau ngót 7.000 lên 9.000 đồng, rau muống từ 8.000 lên 10.000 đồng), còn thịt lợn, thịt bò và gia cầm vẫn giữ giá ổn định.
![]() |
Các loại rau xanh nhanh chóng hết hàng trước bão. Ảnh minh họa |
Trái ngược với cảnh chợ nhộn nhịp, hệ thống siêu thị trên địa bàn Hà Nội ghi nhận lượng khách đến mua sắm tăng khoảng 30% nhưng nguồn cung vẫn dồi dào. Chị Mai Lan trú tại Cầu Giấy cho biết trước đây thường đi chợ vào cuối ngày, tuy nhiên nghe tin bão Wipha dự kiến đổ bộ vào chiều 22/7, chị tranh thủ giờ nghỉ trưa để mua đồ. Chị cho biết chỉ mua đủ cho 2–3 ngày, không tích trữ quá nhiều như các đợt bão trước. Theo lời chị Lan, giá cả tại siêu thị không biến động đáng kể, rau củ vẫn đầy trên kệ, "chỉ lo không có tiền mà mua thôi".
Qua ghi nhận từ những người tiêu dùng có thể thấy người dân vẫn giữ một tâm lý khá bình tĩnh. Không còn cảnh chen lấn mua tích trữ như trước, mỗi người đều cân nhắc chỉ mua đủ dùng trong một vài ngày. Sự khác biệt này đến từ kinh nghiệm ứng phó với bão đã có từ trước, cũng như niềm tin vào khả năng cung ứng hàng hóa của hệ thống bán lẻ và cơ quan chức năng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, sáng 21/7, tâm bão số 3 (Wipha) đã vượt bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc), tiến vào vịnh Bắc Bộ với sức gió cấp 9, giật cấp 11, di chuyển về hướng Tây – Tây Nam với vận tốc 10–15 km/h. Nhiều khả năng áp sát bờ biển Việt Nam và đổ bộ vào khu vực từ Nam Hải Phòng đến Bắc Thanh Hóa trong ngày 22/7 với cường độ cấp 9–10, giật cấp 13. Như vậy, đây vẫn là một cơn bão mạnh, đòi hỏi các phương án ứng phó khẩn cấp.
![]() |
Hàng hóa tại siêu thị vẫn rất dồi dào. Ảnh minh họa |
Trước tình huống thiên tai diễn biến phức tạp, Sở Công Thương Hà Nội đã triển khai kế hoạch ứng phó khẩn cấp có tổng mức vốn dự trữ lên tới 122,7 tỷ đồng. Theo đó, dự trữ đủ phục vụ khoảng 250.000 người trong 7 ngày, với các mặt hàng thiết yếu như mì gói, lương khô, nước uống, nến, thực phẩm chế biến, sữa hộp và gạo.
Theo quy định, mỗi người được cấp phát 3 gói mì/ ngày, 2 lít nước, 1 cốc nến, thực phẩm chế biến 1 hộp/ngày và sữa 1 hộp/ngày; gạo đủ dùng cho 50.000 người, 0,3 kg/người/ngày. Sở cũng yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh chủ động dự trữ theo kế hoạch sản xuất kinh doanh để đảm bảo không đứt nguồn cung trong mọi điều kiện thời tiết.