Hai cơ sở để giảm lãi suất điều hành

Tại talkshow "Sẽ có thêm một đợt giảm lãi suất", ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital đã chỉ ra cơ sở của việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giảm lãi suất điều hành đến từ những chỉ báo sớm.

Cơ sở đầu tiên của việc giảm lãi suất điều hành là khi thanh khoản ở thị trường liên ngân hàng ổn định hơn, dễ dàng cho nhau vay với lãi suất thấp hơn.

Dấu hiệu thứ hai là khi các ngân hàng bắt đầu hạ lãi suất huy động xuống. Lãi suất trung bình hiện tại của nhóm NHTMCP nhà nước hiện đang ở mức 7,5%. Các NHTM lớn như MB, ACB, Techcombank, VPBank hiện cũng ở mức 7,75% tại kỳ hạn 12 tháng, các ngân hàng còn lại tất cả đều ở dưới 10%.

"Như vậy, khi các ngân hàng cho nhau vay thì lãi suất đã hạ xuống, lãi suất của người dân đã đủ thanh khoản và hạ xuống. Do đó tôi kỳ vọng lãi suất cho vay đối với nền kinh tế cũng sẽ giảm xuống", ông Tuấn đánh giá.

Hai cơ sở để NHNN giảm lãi suất điều hành
ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital (Ảnh chụp màn hình)

Ngoài ra, ông cũng cho rằng NHNN sẽ cân đối hai yếu tố nữa là tỷ giá và tăng trưởng tín dụng để có thể hạ lãi suất điều hành.

“Tôi kỳ vọng điều này càng xảy ra sớm thì sẽ có công cụ để hỗ trợ doanh nghiệp”, ông cho hay.

Theo số liệu của Tổng cục thống kê, trong quý 1/2023, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường lớn hơn số doanh nghiệp mở mới. Đây là số liệu không mấy khả quan cho lắm vì Việt Nam vẫn ở trong chu kỳ phát triển việc nhiều doanh nghiệp phát triển sẽ tạo thêm nhiều chu kỳ cho xã hội.

Ông cũng kỳ vọng có những đợt tăng giảm nếu có về sau thì biên độ sẽ nhỏ hơn để thị trường có thể hấp thụ được những biến số đó, vì nếu giảm nhanh thì sẽ có vấn đề là khi dòng tiền rẻ nhanh quá thì có thể chảy vào những tài sản rủi ro.

Nợ xấu ngân hàng năm nay sẽ tăng cao

Nợ xấu ngành ngân hàng đang có xu hướng tăng. Ở mức lãi suất cao thì khả năng thanh toán của doanh nghiệp và các cá nhân chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng.

Ngoài ra số dư trái phiếu đến hạn cần phải thanh toán, đặc biệt là các doanh nghiệp bất động sản sẽ đẩy nguy cơ “ảnh hưởng chéo”. Không có tiền trả trái phiếu hoặc không làm gì được ở khu vực trái phiếu thì cũng không có tiền để thanh toán cho ngân hàng.

Do đó nợ xấu năm nay chắc chắn sẽ tăng vao hơn so với năm ngoái, đồng thời cũng sẽ ảnh hưởng đến dự phòng rủi ro của các ngân hàng. Ngoài ra nợ xấu cũng sẽ phụ thuộc vào danh mục đầu tư trái phiếu cũng như các doanh nghiệp có liên quan đến trái phiếu đặc biệt là trái phiếu bất động sản vay.

Ngoài ra, giới phân tích cũng cho rằng trong bối cảnh nợ xấu được dự báo sẽ tăng cao trong năm nay, các ngân hàng sẽ gia tăng trích lập dự phòng và điều đó có thể ảnh hưởng đến bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng năm 2023.

Chứng khoán Mirae Asset cho rằng chi phí trích lập dự phòng rủi ro sẽ gia tăng trở lại. Trong bối cảnh nợ xấu được dự báo tăng trong năm 2023, tỷ lệ bao phủ nợ xấu (LLR) giảm và việc hoàn nhập dự phòng đã trích lập dư cho nợ tái cơ cấu không đáng kể, chi phí dự phòng sẽ khó duy trì ở mức thấp như năm 2022.

Việc gia tăng đòn bẩy tài chính của các doanh nghiệp liên quan đến ngành bất động sản trong các năm trở lại đây và tình trạng thiếu thanh khoản có thể dẫn đến nợ xấu lập đỉnh mới trong vòng một thập kỷ. Như vậy, nhu cầu trích lập cho nợ xấu có khả năng tăng mạnh trong ngắn và trung hạn.