Kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5 luôn là một thời điểm đặc biệt với thị trường chứng khoán Việt Nam, khi tâm lý nhà đầu tư thường có sự thay đổi rõ rệt trước và sau kỳ nghỉ kéo dài. Theo báo cáo phân tích của Agriseco, xu hướng giao dịch của VN-Index trong giai đoạn này, dựa trên dữ liệu 15 năm (2010–2024), cho thấy nhiều quy luật lặp lại, có thể giúp nhà đầu tư xây dựng chiến lược giao dịch hiệu quả trong tháng 5.

Hiệu ứng nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Cơ hội và chiến lược giao dịch cổ phiếu tháng 5
Nguồn: Agriseco

Trước kỳ nghỉ lễ: Tâm lý tích cực, thanh khoản thấp

Thống kê cho thấy, tuần giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ lễ thường có diễn biến khả quan. Trong 15 năm, có tới 12 năm (tương đương 80%) VN-Index ghi nhận tăng điểm trong tuần cuối tháng 4, với tỷ suất sinh lời trung bình đạt 1,01%. Đáng chú ý, mức tăng trong các phiên tăng điểm khá cao, trung bình đạt 1,72%, trong đó năm 2011 từng ghi nhận mức tăng vượt trội tới 5,17%. Tuy nhiên, mức giảm trong các phiên đỏ điểm cũng không hề nhẹ, trung bình khoảng 1,8%, phản ánh tâm lý thị trường vẫn còn biến động mạnh.

Tại phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ, xu hướng tích cực tiếp tục được duy trì. Có tới 13/15 năm (87%) VN-Index tăng điểm trong phiên này, với mức tăng trung bình 0,74%. Mức biến động trong ngày cũng tương đối hẹp, thể hiện tâm lý nhà đầu tư phần lớn là tích cực trước kỳ nghỉ. Dù vậy, thanh khoản trong tuần cuối và phiên cuối tháng 4 thường giảm đáng kể so với mức bình quân của cả tháng.

Hiệu ứng nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Cơ hội và chiến lược giao dịch cổ phiếu tháng 5
Diễn biến VN-Index trước kỳ nghỉ lễ

Sau kỳ nghỉ lễ: Biến động ngắn hạn đầu tháng, rủi ro giữa tháng

Bước sang tháng 5, thị trường chứng khoán Việt Nam thường gặp những rung lắc nhất định. Phiên giao dịch đầu tiên sau nghỉ lễ (tức phiên mở cửa tháng 5) có xác suất giảm điểm cao hơn với tỷ suất bình quân là -0,49%, chỉ có 6/15 năm ghi nhận tăng điểm. Biến động trong phiên không quá đột biến, với biên độ dao động từ -3,08% đến +1,35%.

Tuần giao dịch đầu tiên của tháng 5 thường có xu hướng tăng nhẹ, với tỷ suất bình quân đạt +0,17% và tỷ lệ tăng điểm là 67% (10/15 năm). Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là khi thị trường giảm thì mức giảm lại tương đối lớn. Trong năm 2014 và 2022, VN-Index lần lượt giảm tới 6,15% và 5,36% trong tuần đầu tháng 5 – cao hơn đáng kể so với mức bình quân.

Hiệu ứng nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Cơ hội và chiến lược giao dịch cổ phiếu tháng 5
Diễn biến VN-Index sau kỳ nghỉ lễ

2 tuần đầu tháng 5 thường là giai đoạn nhạy cảm nhất. Dữ liệu lịch sử cho thấy tỷ suất trung bình là -0,82%, và mức giảm trung bình lên tới -5,17%. Trong đó, năm 2022 từng ghi nhận mức lao dốc kỷ lục tới -10,13%. Mặc dù 2 năm gần đây ghi nhận mức hồi phục nhẹ trong 2 tuần đầu tháng, xu hướng giảm giá vẫn là đặc điểm nổi bật cần lưu ý.

Xét trong toàn tháng 5, VN-Index ghi nhận tỷ suất bình quân là -0,18%, với 8/15 năm tăng điểm. Mức tăng trung bình trong các năm tăng giá là 5,41%, nhưng mức giảm trung bình cũng khá cao, khoảng -6,57%. Năm 2011 từng giảm mạnh tới -12,23%. Mức độ biến động trong tháng 5 thường lớn, nhưng gần đây có xu hướng dịu lại so với giai đoạn 2011–2014.

Chiến lược giao dịch và lựa chọn cổ phiếu

Dựa trên phân tích dữ liệu quá khứ, Agriseco khuyến nghị nhà đầu tư cần đặc biệt thận trọng trong giai đoạn đầu và giữa tháng 5. Mặc dù đầu tháng có thể xuất hiện nhịp hồi kỹ thuật, nhưng rủi ro điều chỉnh vẫn cao. Việc tận dụng nhịp hồi đầu tháng để cơ cấu danh mục, sau đó chờ đợi điểm mua an toàn hơn trong các nhịp điều chỉnh giữa tháng là chiến lược được ưu tiên.

Về lựa chọn cổ phiếu, Agriseco đã thống kê hiệu suất của 200 mã vốn hóa lớn từ năm 2010 đến 2024 tại bốn mốc thời gian: T+1, T+5, T+10 và T+20 (tương ứng với phiên đầu tiên, tuần đầu tiên, hai tuần đầu tiên và toàn tháng sau kỳ nghỉ). Từ đó, 20 cổ phiếu có hiệu suất tích cực và ổn định nhất được lựa chọn, với điều kiện phải có ít nhất 2/4 mốc đạt hiệu suất dương và có ít nhất một mốc đạt tỷ lệ số lần tăng giá trên 60%.

Hiệu ứng nghỉ lễ 30/4 – 1/5: Cơ hội và chiến lược giao dịch cổ phiếu tháng 5
Agriseco đưa ra các chỉ báo với một số cổ phiếu

Giai đoạn T+1 đến T+5 (đầu tháng 5): Chiến lược giao dịch linh hoạt, ưu tiên nhóm cổ phiếu có xác suất tăng cao trong tuần đầu tiên. Một số mã đáng chú ý gồm: ANV, GEG, PLX, PTB.

Giai đoạn T+10 đến T+20 (giữa đến cuối tháng 5): Ưu tiên chiến lược nắm giữ, tập trung vào nhóm cổ phiếu có xác suất tăng cao trong nửa sau tháng 5. Các mã tiềm năng gồm: BSR, FTS, PLX, VCI, PTB, REE, PVS.