Tính đến hết tháng 3/2025, Việt Nam có hơn 42.760 dự án FDI còn hiệu lực, với tổng vốn đăng ký vượt 510 tỷ USD, xếp trong nhóm 15 quốc gia thu hút FDI lớn nhất toàn cầu. Tuy nhiên, chỉ khoảng 5% trong tổng vốn FDI được đầu tư vào lĩnh vực công nghệ cao, một con số được đánh giá là chưa tương xứng với kỳ vọng.

Lý giải thực trạng này, một trong những nguyên nhân được chỉ ra là sự hạn chế trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao đáp ứng cho các dự án FDI chất lượng.

Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ

Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ.

Đưa ra ý kiến thẳng thắn về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Thành Trung nhận định: “Chúng ta không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ hay chi phí năng lượng thấp. Việt Nam cần chuyển sang giai đoạn thu hút đầu tư có chọn lọc, ưu tiên những ngành có hàm lượng công nghệ cao, sử dụng nhân lực chất lượng và góp phần nâng cấp chuỗi giá trị”.

Đồng tình với quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng ban Chính sách, Chiến lược Trung ương cũng cho rằng, bên cạnh những rào cản về thủ tục hành chính, giải phóng mặt bằng, một số quy định về môi trường, các nhà đầu tư FDI cũng gặp phải khó khăn do nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu hụt.

Theo đó, lực lượng lao động tại các doanh nghiệp FDI đặc biệt trong các lĩnh vực công nghệ cao đòi hỏi lao động trình độ cao. Nhưng thực tế đội ngũ lao động chất lượng vẫn còn thiếu hụt cả về số lượng và chất lượng.

"Nhìn chung, đội ngũ lao động tri thức ở Việt Nam chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là trong các lĩnh vực công nghệ cao và quản lý kinh doanh. Việc thiếu hụt nhân tài trong các ngành công nghiệp, như tài chính, kiểm toán và luật pháp, làm cho các doanh nghiệp FDI gặp khó khăn trong việc tìm kiếm và duy trì nhân lực chất lượng", ông Sơn nói.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê năm 2023, chỉ có khoảng 28% lực lượng lao động được đào tạo về nghề nghiệp và kỹ năng (có trình độ sơ cấp trở lên) trên toàn quốc.

Tại các doanh nghiệp FDI, tỷ lệ lao động dưới đại học vẫn chiếm hơn 80%, và con số này chưa có dấu hiệu cải thiện đáng kể từ năm 2011 đến nay. Đây là một thách thức lớn khi mà yêu cầu về kỹ năng ngày càng tăng trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, đòi hỏi một lực lượng lao động có trình độ cao hơn.

Tuy nhiên theo Lãnh đạo Bộ Tài chính đã có những chuyên gia Việt Nam hiện đã và đang đảm nhận các vị trí chủ chốt trong bộ máy điều hành của các doanh nghiệp nước ngoài. Điều này cho thấy Việt Nam có một môi trường tốt và phù hợp cho các doanh nghiệp FDI.

"Việt Nam đang có một môi trường rất phù hợp để các doanh nghiệp FDI phát triển. Nhưng để đi xa, chúng ta cần đi cùng nhau, cần sự chia sẻ và đóng góp từ chính cộng đồng doanh nghiệp FDI", đại diện Bộ Tài chính nhấn mạnh.

Nâng chất dòng vốn FDI như thế nào?

Do đó, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI và hiện thực hóa mục tiêu kinh tế số chiếm khoảng 30% GDP vào năm 2030, theo GS TS Nguyễn Mại, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) cho rằng: “Việt Nam cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng theo hướng dựa vào công nghệ hiện đại và nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó gia tăng năng lực cạnh tranh quốc gia”.

Việt Nam không thể tiếp tục cạnh tranh bằng lao động giá rẻ

Nâng chất dòng vốn FDI như thế nào?

Đặc biệt, chuyên gia đánh giá, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực sẽ tăng thêm sức cạnh tranh của khu vực doanh nghiệp bao gồm cả khối doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước.

Các chuyên gia khuyến nghị, Chính phủ cần ban hành các văn bản quy định thống nhất việc thu hút, sử dụng nhân tài; cụ thể hóa đầy đủ các nội dung của các giai đoạn trong thu hút nhân tài và tích cực khuyến khích các trường đại học và trung học chuyên nghiệp phát triển các chương trình đào tạo phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp FDI như chuyên ngành công nghệ cao, khoa học kỹ thuật, quản lý và các lĩnh vực có nhu cầu cao của thị trường lao động.

Bên cạnh đó, Chính phủ cần đơn giản hóa thủ tục hành chính liên quan đến lao động và đầu tư, giảm bớt các rào cản pháp lý và thủ tục quản lý. Nâng cao tính dễ dàng và minh bạch trong việc làm thủ tục cho các doanh nghiệp nước ngoài. Đảm bảo môi trường kinh doanh bình đẳng và minh bạch cho các doanh nghiệp FDI.

Về phía doanh nghiệp FDI, chuyên gia cho rằng cũng cần xây dựng một chiến lược rõ ràng về phát triển nguồn nhân lực, tập trung vào việc tuyển dụng và đào tạo nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Việc đầu tư vào đào tạo kỹ năng và nâng cao năng lực thực hành là rất cần thiết để cung cấp đủ lao động có trình độ và kỹ năng phù hợp với yêu cầu sản xuất và quản lý của doanh nghiệp.

Đồng thời, có tầm nhìn chiến lược và sẵn sàng dự đoán các thay đổi trên thị trường lao động và chính sách nhà nước liên quan. Điều này giúp cho các doanh nghiệp có thể thích ứng nhanh chóng với sự thay đổi, củng cố công tác quản trị và nguồn nhân lực hiệu quả.

Thậm chí, cần có kế hoạch và ngân sách rõ ràng cho việc đào tạo và phát triển nguồn nhân lực. Đầu tư hợp lý vào việc đào tạo là cần thiết để giúp cán bộ nhân viên cải thiện kỹ năng và nâng cao năng lực quản lý, đáp ứng được yêu cầu sản xuất và kinh doanh ngày càng cao.

Đưa ra các chính sách thu hút nhân tài như hỗ trợ thuế, chi phí sinh hoạt, và các chế độ đãi ngộ hấp dẫn cho các chuyên gia, nhà quản lý và công nhân kỹ thuật có kỹ năng cao.

Các chính sách này cần được thiết kế linh hoạt để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các doanh nghiệp.

Đây là yếu tố quan trọng để thu hút và giữ chân nhân tài, đồng thời xây dựng một văn hóa doanh nghiệp tích cực và trách nhiệm, giúp tăng cường hiệu suất làm việc và sự hài lòng của nhân viên.