Trung Quốc vừa thiết lập một cột mốc mới trong cuộc đua công nghệ với thế giới khi robot hình người công nghiệp Walker S1 – do công ty UBTech phát triển – đã hoàn thành khóa huấn luyện cộng tác đầu tiên trên thế giới tại nhà máy thông minh Zeekr (thuộc hãng xe điện Geely), đánh dấu bước tiến vượt bậc trong lĩnh vực tự động hóa và trí tuệ nhân tạo ứng dụng.
Cỗ máy "biết học, biết phối hợp"
Trong tháng 3/2025, hàng chục robot Walker S1 đã được triển khai tại nhà máy Zeekr ở Chiết Giang – nơi được trang bị mạng 5G, cho phép truyền dữ liệu siêu tốc. Các robot này không chỉ thực hiện các nhiệm vụ lắp ráp, kiểm tra và vận chuyển, mà còn học cách phối hợp theo nhóm nhờ vào hệ thống AI tiên tiến mang tên BrainNet.
Được xây dựng như một mạng lưới trí tuệ bầy đàn, BrainNet kết hợp giữa siêu não trung tâm (quản lý chiến lược toàn bộ dây chuyền) và các “bộ não phụ” phân tán – hoạt động độc lập nhưng vẫn đồng bộ trong hành động. Tất cả được hỗ trợ bởi DeepSeek-R1, một hệ thống suy luận sâu có khả năng lập kế hoạch, phân tích và tự động điều phối robot theo thời gian thực.
UBTech ứng dụng kỹ thuật AI đa phương thức, tích hợp mô hình Transformer và công nghệ Retrieval-Augmented Generation (RAG), giúp robot đưa ra quyết định chính xác trong môi trường biến động, từ điều hướng VSLAM, nhận diện vật thể cho đến thao tác lắp ráp tinh vi.
![]() |
Hàng chục robot Walker S1 đã được triển khai tại nhà máy Zeekr ở Chiết Giang. Ảnh minh hoạ |
Tại nhà máy Zeekr, các robot Walker S1 đảm nhiệm các công đoạn từ đo lường, kiểm định đến lắp ráp cuối cùng. Chúng tự điều chỉnh lực và vị trí, thao tác với các vật liệu dễ biến dạng mà không làm hỏng thành phẩm. Các cảm biến lực chính xác cao và hệ thống học tăng cường giúp robot thích ứng linh hoạt với từng công đoạn cụ thể.
Trung Quốc và chiến lược "robot hóa" sản xuất
Thành công tại Zeekr không phải là đích đến cuối cùng. UBTech cho biết họ đã nhận được đơn đặt hàng thương mại đầu tiên từ Dongfeng Liuqi Motor – một công ty con của tập đoàn Dongfeng Motor – với ít nhất 20 đơn vị Walker S1 sẽ được bàn giao trong vòng 30 ngày.
Ngoài Dongfeng, các tên tuổi lớn như BYD, Foxconn, SF Express và Midea Group cũng đã thử nghiệm dòng robot này. UBTech hiện lên kế hoạch sản xuất từ 500–1.000 đơn vị Walker S trong năm 2025, bước đầu tiến vào thị trường robot hình người ứng dụng trong công nghiệp và thương mại.
Theo báo cáo từ South China Morning Post, các động thái của UBTech nằm trong chiến lược quốc gia “Made in China 2025”, thúc đẩy tự động hóa thông minh trong sản xuất nhằm giảm sự phụ thuộc vào lao động phổ thông và nâng cao năng suất. “Chúng tôi đã mất hơn một thập kỷ để nghiên cứu và thử nghiệm. Giờ là lúc đưa robot hình người vào thực tiễn sản xuất”, ông Zhou Jian – nhà sáng lập UBTech – chia sẻ với People's Daily Online.
Sự kiện này không chỉ là dấu ấn về mặt công nghệ mà còn là tuyên bố đầy tham vọng của Trung Quốc trong cuộc đua làm chủ lĩnh vực robot hình người – thứ từng được xem là viễn tưởng, nay đang dần trở thành hiện thực trong các nhà máy thông minh.