Chiều 25/4, CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (UPCoM: HBC) tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 theo hình thức trực tuyến. Một trong những nội dung thu hút sự quan tâm lớn là chiến lược phát triển thị trường nước ngoài - định hướng đã được lãnh đạo doanh nghiệp theo đuổi quyết liệt trong những năm gần đây.

Trả lời chất vấn của cổ đông, ông Nguyễn Kinh Luân - Phó Tổng Giám đốc Đầu tư & Phát triển thị trường Quốc tế cho biết, HBC hiện tập trung phát triển các thị trường như Mỹ, Úc, Campuchia và một số quốc gia tại Đông Nam Á, Đông Phi.

Tại Mỹ, Hòa Bình đang cung cấp dịch vụ quản lý dự án và cung ứng vật liệu xây dựng cho một số đối tác tại California, đồng thời tiến hành đàm phán liên doanh với kỳ vọng ký kết vào năm 2025. Các đối tác tại Mỹ sở hữu những dự án quy mô lớn, mở ra cơ hội để HBC không chỉ xuất khẩu “know-how” xây dựng mà còn cùng triển khai các dự án tại thị trường này.

Tại Úc, HBC cũng đang cung cấp dịch vụ tương tự và đàm phán một số hợp đồng liên doanh cho giai đoạn 2025 - 2026. Trong khi đó, tại Kenya, Hòa Bình đã trúng thầu 4 dự án nhà ở xã hội cho lực lượng cảnh sát, với tổng quy mô 3.500 căn hộ và giá trị hợp đồng khoảng 70 triệu USD. Doanh nghiệp hiện đang hoàn thiện điều kiện hợp đồng với Cục Nhà ở và Phát triển đô thị của Kenya.

Với Campuchia, HBC ghi nhận những kết quả khả quan sau quá trình làm việc với Chính phủ và nhiều nhà thầu, nhà đầu tư bản địa. Doanh nghiệp kỳ vọng sẽ có nhiều ký kết quan trọng trong năm 2025, qua đó mở rộng hiện diện tại Đông Nam Á.

Có thể cạnh tranh với nhà thầu Mỹ, Úc bằng chất lượng cao và chi phí hợp lý

Tham vọng chinh phục thị trường xây dựng toàn cầu 15.000 tỷ USD, Hòa Bình (HBC) tuyên bố đã 'cắm cờ' tại nhiều nước

Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HĐQT nhấn mạnh, dù thị trường trong nước còn nhiều tiềm năng, đặc biệt ở mảng công nghiệp và hạ tầng, nhưng biên lợi nhuận ngày càng thấp do cạnh tranh khốc liệt. Trong khi đó, thị trường xây dựng toàn cầu có quy mô khoảng 15.000 tỷ USD, đóng góp lớn cho GDP nhiều nước và còn nhiều dư địa cho các nhà thầu có năng lực cạnh tranh về giá, đặc biệt là những doanh nghiệp từ các quốc gia có chi phí nhân công thấp như Việt Nam.

Hòa Bình hiện đã sẵn sàng về nguồn lực và đối tác để thâm nhập sâu hơn vào các thị trường quốc tế. “Chúng tôi có thể cạnh tranh với nhà thầu Mỹ, Úc bằng chất lượng cao và chi phí hợp lý. Đây là cơ hội để Hòa Bình vươn lên một tầm vóc mới trên bản đồ xây dựng toàn cầu” - ông Hải nói.

Dù vậy, Chủ tịch Hòa Bình cũng thừa nhận thời gian qua, công ty gặp nhiều khó khăn do các chủ đầu tư trong lĩnh vực du lịch vốn là khách hàng chủ lực bị ảnh hưởng bởi đại dịch, dẫn đến chậm thanh toán. Tuy nhiên, ông Hải cho rằng các khoản nợ này phần lớn đều có khả năng thu hồi nhờ tài sản đảm bảo lớn từ phía đối tác, và thực tế năm 2024 đã cho thấy tiến triển tích cực.

Tại đại hội, cổ đông cũng đặt câu hỏi về kế hoạch chào bán riêng lẻ tối đa 347 triệu cổ phiếu, giá 10.000 đồng/cp - cao hơn khoảng 60% so với giá thị trường. Tổng số vốn huy động khoảng 3.470 tỷ đồng, trong đó 60% sẽ dùng để trả nợ ngân hàng, phần còn lại dành cho thi công và thanh toán nhà cung cấp.

Trước băn khoăn về khả năng thành công của phương án này, ông Lê Viết Hải cho biết, HBC đã làm việc với một số nhà đầu tư chiến lược và nhận được sự quan tâm nhất định. Tuy nhiên, thời điểm này doanh nghiệp không chia sẻ chi tiết.