Theo ước tính trong quý IV/2023, tổng lợi nhuận ngành thép đạt khoảng 2.500 tỷ đồng - tăng 22% so với quý III. Đây cũng là mức cao nhất trong vòng 6 quý trở lại đây. Đáng nói, toàn bộ phần lợi nhuận này đều đến từ Tập đoàn Hòa Phát khi góp gần 3.000 tỷ đồng.

Điều này cũng đồng nghĩa các doanh nghiệp thép còn lại đang gánh khoản lỗ sau thuế 500 tỷ đồng trong quý IV. Nhóm này bao gồm loạt tên tuổi như Hoa Sen (HSG), Nam Kim (NKG), VNSteel (TVN), Thương mại SMC (SMC), Tisco (TIS), Pomina (POM, Tiến Lên (TLH), Tôn Đông Á (GDA)...

Dù ghi nhận tín hiệu phục hồi khả quan so với cùng kỳ năm 2022, tuy nhiên, lợi nhuận các doanh nghiệp thép phần lớn đã chững lại so với quý III/2023. Điểm sáng duy nhất đến từ Tập đoàn Hòa Phát. Từ mức lỗ gần 2.000 tỷ trong quý IV/2022, doanh nghiệp của Chủ tịch Trần Đình Long bắt đầu báo lãi trăm tỷ trong quý I và liên tục tăng lãi trong các quý sau đó.

Hòa Phát (HPG) gánh lợi nhuận ngành thép quý IV/2023: HSG, NKG, TVN, SMC ở đâu?

Điều tích cực của nhóm thép niêm yết đến từ việc giảm mạnh giá trị trích lập dự phòng giảm giá tồn kho. Chỉ tính riêng Hòa Phát, giá trị trích lập đã giảm từ mức 1.236 tỷ đồng hồi đầu kỳ còn 124 tỷ.

Theo thống kê, tổng giá trị tồn kho của ngành thép tính đến cuối năm 2023 vào khoảng 66.000 tỷ đồng. Đây đã là quý thứ 5 liên tiếp tồn kho ngành thép duy trì quanh mức 65.000-70.000 tỷ đồng trong bối cảnh cầu tiêu thụ giảm mạnh kể từ nửa sau năm 2022. Mức ghi nhận hiện tại cũng thấp hơn khoảng 50.000 tỷ đồng mức đỉnh 6 quý về trước.

Đáng chú ý, hơn 50% tổng lượng tồn kho của nhóm thép trên sàn chứng khoán đang nằm tại Tập đoàn Hòa Phát với 34.500 tỷ đồng - giảm 23.000 tỷ so với mức kỷ lục cuối quý II/2022.

Công ty Chứng khoán MB (MBS) nhận định, nguồn cung giảm và nhu cầu thép thế giới dự báo sẽ hồi phục vào năm 2024. Tín hiệu tích cực cũng sẽ xuất hiện tại thị trường trong nước.

Theo dự báo của MBS, biên lợi nhuận gộp các doanh nghiệp thép sẽ cải thiện từ mức trung bình 8% trong năm 2023 lên 13% năm 2024. Giá thép được dự báo sẽ hồi phục khoảng 8% và giá nguyên vật liệu giảm nhẹ 6%, từ đó cơ sở để biên lợi nhuận gộp của các doanh nghiệp trong ngành hồi phục lên mức hai chữ số trong năm tới.

Tổng lợi nhuận các doanh nghiệp ngành thép cũng theo đó được MBS dự phóng tăng trưởng đến 40% so với cùng kỳ trong năm 2024 nhờ: Doanh thu dự kiến hồi phục 25% trong bối cảnh sản lượng và giá bán tăng trưởng; biên lợi nhuận gộp phục hồi lên mức 13% (so với khoảng 8% của năm 2023); chi phí tài chính giảm 30% khi áp lực tỷ giá và chi phí lãi vay hạ nhiệt.