Ngày 29/9/2022, Tổng Cục Thống kê sẽ công bố chỉ số lạm phát (CPI) và GDP quý III/2022.

Chứng khoán HSC kỳ vọng GDP Việt Nam trong quý III/2022 sẽ tăng 11,8% so với cùng kỳ nhờ hoạt động sản xuất ổn định và đặc biệt là sự hồi phục của doanh số bán lẻ.

Công ty chứng khoán này cũng dự báo kim ngạch xuất khẩu và kim ngạch nhập khẩu sẽ tăng lần lượt 12,5% và 9,5% so với cùng kỳ trong tháng 9/2022.

Về mặt giá cả, HSC dự báo CPI sẽ tăng 3,57% so với cùng kỳ

Dẫn nguồn Báo Đầu tư, thời gian qua, nhiều chuyên gia kinh tế và một số định chế tài chính dự báo, tốc độ tăng trưởng GDP quý III/2022 của Việt Nam đạt khoảng 14%.

Theo TS. Nguyễn Tú Anh, Vụ trưởng Vụ Kinh tế tổng hợp (Ban Kinh tế Trung ương): "Chắc chắn, tốc độ tăng trưởng kinh tế trong quý III sẽ rất cao nhưng dự báo tăng 14% thì quá lạc quan bởi thực tế, hoạt động sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu, đầu tư nội địa, thu hút đầu tư nước ngoài, thương mại... trong quý này tăng trưởng mạnh, nhưng không phải là tăng trưởng phi mã".

Với những diễn biến của hoạt động kinh tế, ông Tú Anh cho rằng GDP quý III có thể tăng trưởng khoảng 10 - 11% - tốc độ tăng trưởng “vô tiền khoáng hậu”. Con số này đặc biệt có ý nghĩa, trong bối cảnh nhiều nước trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương và các nền kinh tế lớn trên thế giới đang giảm dần tốc độ tăng trưởng, thậm chí EU, Mỹ còn đứng trước nguy cơ suy thoái kinh tế.

Đưa ra cơ sở cho mức dự báo trên, vị chuyên gia giải thích: "Lý do đầu tiên và quan trọng nhất là quý III/2021, GDP giảm tới 6,02% - mức giảm sâu nhất kể từ khi Việt Nam tính và công bố GDP từng quý. Trên nền rất thấp, nên chỉ cần hoạt động sản xuất, kinh doanh quý này tương đương những năm trước đại dịch, thì tốc độ tăng trưởng GDP đã đạt 8 - 9%.

Thứ hai, hoạt động của cả 3 khu vực kinh tế đang tiếp tục xu hướng phục hồi, nhất là khu vực công nghiệp, xây dựng và dịch vụ.

Theo số liệu của Tổng Cục Thống kê, sản xuất công nghiệp tháng 8/2022 tiếp tục xu hướng phục hồi nhanh, tăng 2,9% so với tháng 7 và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Chỉ số Sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 8 tăng 2,9% so với tháng trước đó và tăng 15,6% so với cùng kỳ năm 2021. Hoạt động thương mại và dịch vụ tháng 8/2022 phục hồi ở tất cả các ngành và ghi nhận mức tăng rất cao, đặc biệt, dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng gấp 2,9 lần; du lịch lữ hành tăng gấp 65,4 lần so với cùng kỳ năm 2021".

Trong báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) ngày 26/9, các chuyên gia đưa ra dự báo Việt Nam sẽ đạt mức tăng trưởng 7,2%, trên cơ sở nhu cầu quốc nội phục hồi mạnh mẽ cùng với hoạt động chế biến chế tạo theo định hướng xuất khẩu vẫn tiếp tục phát triển vững chắc.

Bộ Tài chính đề nghị xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật về giá cả hàng hóa