Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mới đây đã ký ban hành Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 12/7/2025, trong đó nhấn mạnh các giải pháp cấp bách nhằm cải thiện chất lượng không khí và bảo vệ môi trường đô thị, đặc biệt tại Hà Nội. Một trong những điểm nổi bật của chỉ thị là việc cấm hoàn toàn xe máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch trong khu vực Vành đai 1 kể từ ngày 1/7/2026. Đây là bước khởi đầu trong lộ trình dài hạn nhằm loại bỏ phương tiện giao thông cá nhân chạy xăng dầu khỏi nội đô Thủ đô, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững và giao thông xanh.
![]() |
Bản đồ khu vực Vành đai 1 tại Hà Nội |
Tại lễ phát động “Vì Thủ đô trong xanh” được tổ chức hồi đầu năm 2025, Tiến sĩ Hoàng Dương Tùng – Chủ tịch Mạng lưới không khí sạch Việt Nam nhận định, thủ phạm lớn nhất gây ô nhiễm môi trường không khí Hà Nội hiện nay chính là hơn 6 triệu xe máy và gần 800.000 ô tô sử dụng động cơ đốt trong. TS Tùng cũng cho biết chỉ số AQI (Air Quality Index - là một chỉ số báo cáo chất lượng không khí hàng ngày) thời điểm đó luôn duy trì mức đỏ, nâu, thậm chí tím – cho thấy mức độ ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Cụ thể, bụi mịn PM2.5 – một trong những thành phần chính của ô nhiễm không khí – có thể xâm nhập sâu vào hệ hô hấp, vào máu và gây ra hàng loạt vấn đề sức khỏe như tim mạch, đột quỵ, rối loạn sinh lý, ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi và chất lượng tinh trùng. Trung bình mỗi người hít thở 10.000 lít không khí mỗi ngày, do đó việc kiểm soát chất lượng không khí có ý nghĩa sống còn.
TS Tùng cũng cho biết, ô nhiễm ở Hà Nội đặc biệt nghiêm trọng vào mùa đông – thời điểm ít mưa, gió lặng và nhiệt độ thấp khiến bụi mịn không thể khuếch tán. Trong khi các huyện ngoại thành bị ảnh hưởng bởi đốt rơm rạ, làng nghề tái chế và công nghiệp nông thôn thì tại nội đô, phương tiện cá nhân chạy xăng dầu chính là nguồn phát thải lớn nhất.
![]() |
Xe máy xăng là một trong những nguyên nhân khiến tình trạng ô nhiễm không khí ngày càng nặng nề Ảnh minh hoạ |
Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là nơi đã chuyển đổi hơn 10.000 xe buýt dầu sang xe điện, buộc các dịch vụ đô thị như giao hàng, vệ sinh môi trường sử dụng phương tiện điện, được coi là mô hình tham khảo tốt. Tại Hà Nội, thành phố đang đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ có 100% xe buýt xanh, với tổng vốn đầu tư ước tính lên đến 43.000 tỷ đồng.
Trước mắt, Hà Nội sẽ lập các vùng phát thải thấp (Low Emission Zones - LEZ) trong quý III/2025. Tại đây, chỉ những phương tiện đạt tiêu chuẩn khí thải cao mới được phép lưu thông. Từ nay đến 2030, mạng lưới giao thông công cộng sẽ được ưu tiên phát triển với trọng tâm là xe buýt điện, tàu điện và hệ thống trạm sạc năng lượng sạch. Song song đó, chính sách hỗ trợ tài chính cũng sẽ được áp dụng trước ngày 30/9/2025 cho cả người tiêu dùng và doanh nghiệp lắp ráp, sản xuất phương tiện xanh.
Từ quý III/2025, Hà Nội sẽ bắt đầu tăng lệ phí trước bạ, đăng ký, phí gửi xe tại khu vực nội đô đối với các phương tiện chạy xăng, nhằm từng bước giảm sức hấp dẫn của dòng xe truyền thống.
Lộ trình tiếp theo sẽ càng quyết liệt hơn: từ ngày 1/1/2028, Hà Nội sẽ mở rộng phạm vi cấm xe máy, mô tô và hạn chế ô tô cá nhân chạy xăng trong Vành đai 2; và đến năm 2030, lệnh cấm này sẽ được mở rộng tới cả Vành đai 3.
Các chuyên gia nhận định, nếu được thực hiện nghiêm túc và đồng bộ, chính sách này sẽ không chỉ cải thiện đáng kể chất lượng môi trường sống tại đô thị mà còn mở ra thị trường tiềm năng cho ngành xe điện, pin sạc, hạ tầng trạm sạc và các dịch vụ hậu cần liên quan. Với quy mô dân số đông, mật độ phương tiện cao và nhu cầu đi lại lớn, Hà Nội đang trở thành “phòng thí nghiệm” thực tế cho mô hình giao thông bền vững kiểu mới tại Việt Nam.