Tổng Công ty Công Nghiệp Dầu Thực Vật Việt Nam (Vocarimex, mã chứng khoán: VOC) vừa có thông báo triệu tập cuộc họp ĐHĐCĐ bất thường năm 2023 dự kiến diễn ra vào ngày 12/12. Theo tài liệu họp, Vocarimex sẽ trình ĐHĐCĐ biểu quyết việc hủy đăng ký công ty đại chúng, hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu và phương án giải quyết quyền lợi cho cổ đông.

Nguyên nhân dẫn đến quyết định là do theo Luật Chứng khoán, “Công ty đại chúng là công ty có vốn điều lệ đã góp từ 30 tỷ đồng trở lên và có tối thiểu 10% số cổ phiếu có quyền biểu quyết do ít nhất 100 nhà đầu tư không phải là cổ đông lớn nắm giữ”.

Tuy nhiên, theo danh sách cổ đông ngày 15/11 do VDSC cung cấp, hai cổ đông lớn của Vocarimex là tập đoàn Kido (mã chứng khoán: KDC) và CTCP Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) đã nắm đến 92,44% vốn điều lệ. Cụ thể, Kido là công ty mẹ của Vocarimex, sở hữu 87,3% vốn và còn VDSC sở hữu 5,14%. Vì vậy, doanh nghiệp này không đủ điều kiện làm công ty đại chúng.

Sau khi được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) chấp thuận hủy tư cách công ty đại chúng, HĐQT Vocarimex sẽ tiếp tục thực hiện việc hủy đăng ký giao dịch cổ phiếu trên Sở giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và hủy đăng ký cổ phiếu tập trung tại Tổng Công ty Lưu ký và Bù trừ Chứng khoán Việt Nam (VSDC).

Cụ thể sau khi hoàn tất thủ tục hủy đăng ký giao dịch chứng khoán trên HNX, Kido cam kết sẽ mua lại toàn bộ số lượng cổ phiếu VOC mà các cổ đông còn lại đang nắm giữ nếu cổ đông có nhu cầu chuyển nhượng.

Quyết định này khá bất ngờ, tạo bước ngoặt lớn cho một doanh nghiệp hơn nửa thập kỷ giao dịch cổ phiếu trên sàn như Vocarimex. Quyết định này có thể sẽ gây tiếc nuối cho không ít nhà đầu tư. Hiện Kido đang nắm 87,3% và VDSC nắm 5,15% vốn điều lệ Vocarimex, số còn lại trong tay các cổ đông nhỏ lẻ, do vậy việc hủy tư cách công ty đại chúng là điều gần như chắc chắn. Song điều này cũng không thể ngăn cản một số nhà đầu tư hoài niệm về một cổ phiếu "vua" trong ngành dầu ăn như VOC.

Vocarimex được thành lập từ 1976, tiền thân là Công ty Dầu thực vật miền Nam, chủ yếu hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh dầu thực vật. Sau nhiều lần chuyển đổi cơ cấu và cách thức hoạt động, năm 2015 Vocarimex chính thức chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần. Hiện nay, tổng công đã phát triển được trên 50 dòng sản phẩm dầu ăn, hàng trăm sản phẩm mỹ phẩm - hóa mỹ phẩm và hàng chục sản phẩm bao bì phục vụ các ngành thực phẩm, nước giải khát.

Ngoài ra, công ty còn đầu tư và khai thác Cảng Nhà Bè tại quận 7, TP HCM với diện tích 7 ha, có khả năng tiếp nhận tàu 10.000 DWT và 20.000 DWT.

Tháng 7/2014, Vocarimex chào bán cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) với khối lượng gần 38 triệu đơn vị. Giá khởi điểm 11.300 đồng/cp.

Theo kết quả đấu giá, toàn bộ số chứng khoán trên bán hết cho 139 nhà đầu tư, doanh nghiệp thu về gần 509 tỷ đồng. Giá đặt cao nhất trong phiên lên tới 30.000 đồng/cp.

Sau đợt đấu giá, vốn điều lệ của Vocarimex đạt 1.218 tỷ đồng, 36% trong số này là sở hữu Nhà nước, trong đó Kido đã mua hơn 29,2 triệu cổ phiếu VOC, tương ứng 24% vốn và Chứng khoán VPBank nắm 8% vốn.

Việc tham gia mua cổ phần của Vocarimex nói trên cũng chính là thời điểm đánh dấu KIDO bước vào mảng dầu ăn – bên cạnh mảng bánh kẹo và ngành lạnh. Sau khi bán mảng bánh kẹo cho tập đoàn Mỹ, Kido dồn lực cho mảng dầu ăn và đến năm 2017 Kido chính thức trở thành cổ đông chi phối Vocarimex khi nâng sở hữu lên 51% khi CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBS) thoái vốn trước hạn.

Trong lần đấu giá thoái vốn thứ 4 vào tháng 11/2021 Kido tiếp tục "ôm thêm" 44,2 triệu cổ phiếu (tương đương 36,29% vốn) từ cuộc đấu giá của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh Vốn Nhà nước (SCIC), qua đó nâng tỷ lệ sở hữu 87,3%.

Hơn nửa thập kỷ trên sàn, vua dầu ăn Vocarimex (VOC) vừa có quyết định bất ngờ

Vocarimex từng sở hữu dầu Tường An, nhưng sau này đã chuyển giao về cho Kido. Ngoài ra, công ty này còn là một trong những cổ đông sáng lập của Dầu thực vật Cái Lân (Calofic) - đơn vị đang sở hữu loạt nhãn hiệu dầu ăn lớn của Việt Nam như Neptune, Simply, Meizan... Tuy nhiên, quý 1 vừa qua Vocarimex đã thoái vốn khoải Calofic và thu về hơn 1.500 tỷ đồng. Còn CTCP Dầu thực vật Tường An hiện xếp thứ hai toàn thị trường ngành dầu và đang thống lĩnh tại thị trường miền Nam.

Về tình hình kinh doanh, do đặc thù, kết quả của công ty phụ thuộc nhiều vào sự biến động của giá nguyên liệu đầu vào và tỷ giá USD/VND do hầu hết nguồn đầu vào là nhập khẩu. Công ty cho biết, giá vốn hàng bán chiếm khoảng 90% doanh thu mỗi năm.

Thống kê cho thấy, sau khi IPO vào giữa năm 2014, doanh thu của Vocarimex bắt đầu rơi khỏi mốc 4.300 tỷ đồng về 2.548 tỷ đồng năm 2019 và tiếp tục rơi xuống 1.613 tỷ đồng năm 2022 đồng thời cũng khiến doanh nghiệp lần đầu báo lỗ. Nguyên nhân chính do giai đoạn này, giá dầu cọ đầu vào lại tăng dựng đứng, đỉnh điểm vào năm 2022.

Hơn nửa thập kỷ trên sàn, vua dầu ăn Vocarimex (VOC) vừa có quyết định bất ngờ

Quý 3/2023 Vocarimex ghi nhận doanh thu 84 tỷ đồng, giảm 81% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nhờ giá vốn giảm mạnh hơn, công ty vẫn lãi sau thuế gần 13 tỷ đồng, gấp đôi cùng kỳ.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu của công ty này đạt 754 tỷ đồng, giảm 25,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhờ có khoản thoái vốn Calofic trong quý 1, doanh nghiệp này vẫn lãi gần 1.200 tỷ đồng, gấp 14,6 lần cùng kỳ và đã vượt 23% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.