Sáng 25/4, Tạp chí Nhà đầu tư tổ chức Tọa đàm “Giải pháp củng cố và phát triển thị trường trong nước”. Trong bối cảnh thị trường xuất khẩu chịu áp lực từ thuế quan, đặc biệt sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế đối ứng 46% đối với Việt Nam, tọa đàm là nơi để các cơ quan quản lý, hoạch định chính sách lắng nghe ý kiến, đề xuất từ cộng đồng nhà đầu tư, hiệp hội và doanh nghiệp.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
Hình ảnh tại buổi làm việc

Thị trường nội địa: Trọng tâm thúc đẩy tăng trưởng

Phát biểu tại buổi làm việc, ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, Chính phủ đặt mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 8% trong năm 2025, với 3 trụ cột chính gồm tiêu dùng nội địa, xuất khẩu và đầu tư công. Trong đó, tiêu dùng nội địa được kỳ vọng sẽ đóng góp từ 60% - 65% vào tăng trưởng.

Để đạt được mục tiêu này, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cần tăng 12%. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, đây là một con số đầy thách thức, khi trong suốt 10 năm qua, chưa năm nào chỉ tiêu này vượt mốc 9%.

Bối cảnh quốc tế cũng đang tạo áp lực lớn, khi Mỹ triển khai các biện pháp thuế mới với hàng hóa từ một số quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Nguy cơ phụ thuộc vào một vài thị trường lớn hoặc truyền thống đang đặt ra yêu cầu cấp bách về đa dạng hóa đầu ra.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn, Phó Cục Quản lý và Phát triển thị trường trong nước, Bộ Công thương

Từ tình hình trên, Bộ Công Thương đã đề xuất 3 nhóm giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy tăng trưởng:

Thứ nhất, kích cầu tiêu dùng nội địa thông qua chiến dịch truyền thông quốc gia khuyến khích dùng hàng Việt, tổ chức các sự kiện mua sắm quy mô lớn kết hợp giữa online và offline. Ngoài ra, ngành công thương sẽ phối hợp với ngành du lịch tung ra các gói khuyến mãi, kết nối tiêu dùng với trải nghiệm để gia tăng chi tiêu trong nước.

Thứ hai, hỗ trợ doanh nghiệp thông qua chính sách tín dụng ưu đãi, đặc biệt với các đơn vị sản xuất hàng thiết yếu, có tỷ lệ nội địa hóa cao. Đồng thời, đề xuất chính sách thuế ưu tiên doanh nghiệp sử dụng công nghệ xanh, nâng cao chất lượng sản phẩm. Các chương trình kết nối cung - cầu, nhất là ở vùng nông thôn, cũng sẽ được đẩy mạnh.

Thứ ba, đảm bảo nguồn cung và ổn định thị trường bằng cách xây dựng hệ thống cảnh báo sớm về cung cầu, giá cả; triển khai chương trình bình ổn thị trường; đầu tư hạ tầng logistics thông minh nhằm giảm chi phí phân phối.

Theo đại diện Bộ Công Thương, nếu được triển khai đồng bộ, các giải pháp trên sẽ góp phần tăng sức mua, hỗ trợ doanh nghiệp và tạo nền tảng vững chắc cho tăng trưởng kinh tế năm 2025.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Eximbank

Ông Trần Anh Thắng, Thành viên HĐQT Eximbank cho rằng, việc Mỹ áp thuế lên hàng nhập khẩu có thể trở thành cơ hội để hàng Việt mở rộng thị phần trong nước, nếu đảm bảo được nguồn cung và chất lượng. Khi hàng ngoại đắt đỏ, hàng nội sẽ được ưu tiên, từ đó thúc đẩy tiêu dùng nội địa.

Hiện các ngân hàng đang đẩy mạnh cho vay tiêu dùng với lãi suất ưu đãi, kết hợp chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất trong nước.

Năm 2024, chi tiêu hộ gia đình đạt 6,2 triệu tỷ đồng, tương đương hơn 53% GDP, nhưng tín dụng tiêu dùng lại có dấu hiệu chậm lại. Tỷ trọng dư nợ cho vay tiêu dùng trong tổng tín dụng giảm từ gần 15% (2023) còn 12% (2024), cho thấy sức mua không theo kịp quy mô tăng trưởng kinh tế.

Ông Thắng cảnh báo, nền kinh tế đang phụ thuộc nhiều vào đầu tư và xuất khẩu, thiếu một lực cầu nội địa ổn định. Để củng cố “trụ đỡ” tiêu dùng, cần các giải pháp thực chất hơn như tăng thu nhập, niềm tin tiêu dùng, không chỉ đơn thuần bơm tín dụng. Đồng thời, vị lãnh đạo Eximbank cũng đề xuất các giải pháp từ vi mô đến vĩ mô nhằm thúc đẩy tiêu dùng.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
Các giải pháp thúc đẩy tiêu dùng của lãnh đạo Eximbank

Chia sẻ quan điểm về kích cầu thị trường nội địa, GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE) nhấn mạnh cần thay đổi cách tiếp cận từ “ưu tiên hàng Việt” sang “sản xuất sản phẩm chất lượng cao cho người Việt sử dụng”.

Ông cho rằng Việt Nam với quy mô 100 triệu dân là thị trường hấp dẫn, nhưng các chính sách phát triển thị trường nội địa vẫn còn mờ nhạt. Để thúc đẩy tiêu dùng trong nước, cần chú trọng chất lượng sản phẩm, hạ tầng giao thông và đặc thù tiêu dùng trong nước.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
GS. TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch danh dự Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài (VAFIE)

GS. TSKH Nguyễn Mại cho rằng doanh nghiệp Việt hiện đủ năng lực cạnh tranh, từ xây dựng, khách sạn đến sản xuất ô tô, xe máy. Tuy nhiên, để phát huy hết tiềm lực, cần đồng bộ các giải pháp như đổi mới thể chế, chiến lược kinh doanh, xây dựng thương hiệu, đầu tư R&D, nâng cao quản trị và đào tạo nhân lực.

Ông cũng đề xuất thúc đẩy liên kết chuỗi giữa các doanh nghiệp trong nước để hình thành lực lượng cạnh tranh đủ mạnh, không chỉ với thị trường nội địa mà cả quốc tế.

Thuế Mỹ: Diễn biến và ứng phó

Bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch AmCham Hanoi cho biết ngay sau khi Tổng thống Mỹ công bố chính sách áp thuế với hàng hóa từ Việt Nam, AmCham đã phối hợp với VCCI gửi thư kiến nghị, đề xuất tạm hoãn thực thi để hai bên có thời gian đàm phán.

Hiện Việt Nam và Hoa Kỳ đã có buổi tiếp xúc đầu tiên ở cấp kỹ thuật nhằm chuẩn bị kế hoạch đàm phán, dù nội dung cụ thể vẫn chưa được thống nhất. Cả 2 phía đều thể hiện thiện chí và kỳ vọng đạt được kết quả trong thời gian 90 ngày tạm hoãn thuế. AmCham cũng đang tổng hợp kiến nghị từ các doanh nghiệp Mỹ, tập trung vào nội dung cần đàm phán và các hỗ trợ cần thiết từ Chính phủ Việt Nam nếu đàm phán không đạt như kỳ vọng.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
Bà Nguyễn Việt Hà, Phó Chủ tịch AmCham Hanoi

Về trọng tâm đàm phán, phía Việt Nam đề xuất giảm thuế nhập khẩu với một số mặt hàng từ Mỹ, đồng thời tăng mua các sản phẩm như máy bay, khí hóa lỏng (LNG). Bà Hà nhấn mạnh, Việt Nam nên chủ động đề xuất thêm các nhóm hàng tiềm năng để thúc đẩy thương mại song phương.

Tuy nhiên, hai vấn đề phức tạp nhất là quy tắc xuất xứ và các rào cản phi thuế quan. Mỹ đặc biệt lo ngại hàng Việt sử dụng nguyên liệu từ Trung Quốc để lẩn tránh thuế. Việt Nam cần minh bạch chuỗi cung ứng và đa dạng hóa nguồn nhập khẩu nguyên vật liệu nhằm củng cố lòng tin đối tác.

Ngoài ra, phía Mỹ cũng đề cập đến các chính sách thuế nội địa của Việt Nam như thuế tiêu thụ đặc biệt, VAT, và cảnh báo việc tăng các sắc thuế này có thể ảnh hưởng tiêu cực đến tiến trình đàm phán, dù thuế nhập khẩu được hạ.

Bà Hà lưu ý, Mỹ cũng phản ánh nhiều rào cản kỹ thuật và hạn chế tiếp cận thị trường tại Việt Nam. Việc tháo gỡ không chỉ giúp ích cho đàm phán mà còn cải thiện môi trường đầu tư dài hạn. “Chúng tôi hy vọng Chính phủ và Quốc hội Việt Nam tiếp tục đồng hành và lắng nghe ý kiến doanh nghiệp để cùng vượt qua giai đoạn khó khăn này” - bà Hà nói.

Khai phá tiềm năng thị trường nội địa giữa bão thuế quan
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI

Cùng quan điểm với lãnh đạo AmCham, ông Đậu Anh Tuấn, Phó Tổng thư ký kiêm Trưởng ban Pháp chế VCCI bổ sung, chính sách thuế của Mỹ không chỉ ảnh hưởng đến xuất khẩu mà còn tạo hiệu ứng chuyển hướng thương mại, khiến hàng hóa từ các nước khác, đặc biệt Trung Quốc, tràn vào Việt Nam, làm gia tăng áp lực cạnh tranh với doanh nghiệp nội địa.

Theo ông Tuấn, Việt Nam là thị trường trên 100 triệu dân với tầng lớp trung lưu đang lớn mạnh, có tiềm năng tiêu dùng rất lớn. Tuy nhiên, muốn khai thác hiệu quả thị trường này, cần xây dựng môi trường cạnh tranh công bằng, kiểm soát hàng lậu và hàng kém chất lượng.

Ông đánh giá cao việc bãi bỏ miễn thuế với đơn hàng dưới 1 triệu đồng, cho rằng đây là bước đi cần thiết để bảo vệ doanh nghiệp trong nước. Đồng thời, ông đề xuất Nhà nước tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ về xây dựng thương hiệu, phân phối và nghiên cứu thị trường - những điểm yếu hiện nay.

Đặc biệt, ông nhấn mạnh có thể chuyển hóa tinh thần yêu nước, đặc biệt của giới trẻ, thành động lực tiêu dùng hàng Việt nếu chất lượng sản phẩm đủ tốt và được đầu tư bài bản.