Thường xuyên xuất hiện trên TikTok với hình ảnh chỉn chu, ăn nói lưu loát, Nguyễn Thị Dung (30 tuổi, trú tại huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) tự giới thiệu là người buôn "mỹ phẩm pass" – thuật ngữ chỉ sản phẩm xách tay giá rẻ hoặc đã qua sử dụng tại Fanpage cùng tên. Dung đã thu hút hàng nghìn lượt theo dõi, thường xuyên livestream tư vấn làm đẹp, tung khuyến mãi “mua một tặng một”, giá rẻ chỉ bằng 1/5 hàng chính hãng.

Tuy nhiên, ngày 23/5, Công an tỉnh Thanh Hóa đã kiểm tra căn nhà nơi Dung sinh sống và phát hiện đó là một xưởng sản xuất mỹ phẩm giả quy mô lớn, với nguyên liệu không rõ nguồn gốc, máy trộn, chai lọ cũ cùng hàng trăm tem nhãn giả mạo các thương hiệu nổi tiếng.

Theo kết quả điều tra ban đầu, từ cuối năm 2024, Dung bắt đầu hoạt động trong các hội nhóm bán mỹ phẩm online. Nhận thấy nhu cầu cao và kẽ hở trong quản lý thương mại điện tử, cô quyết định nhập nguyên liệu trôi nổi với giá chỉ khoảng 50.000 đồng/kg, sau đó tự pha chế, đóng gói thủ công thành các sản phẩm giả danh thương hiệu nổi tiếng như The Ordinary, Innisfree, Some By Mi…

Chỉ trong vài tháng, Dung đã bán ra hơn 1.000 đơn hàng, chủ yếu thông qua TikTok và Facebook, thu lợi bất chính hơn 142 triệu đồng.

Khám nhà Nguyễn Thị Dung chủ trang 'Mỹ phẩm pass' đã bán ra thị trường cả nghìn đơn hàng
Nguyễn Thị Dung và số tang vật thu giữ. Ảnh: Công an Thanh Hóa

Các loại mỹ phẩm như kem dưỡng trắng, serum trị mụn, kem chống nắng… nếu không được kiểm nghiệm an toàn có thể gây kích ứng, viêm da, thậm chí ảnh hưởng đến nội tiết tố khi sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, không ít người tiêu dùng vẫn bị cuốn theo những livestream đầy hấp dẫn với lời hứa “giá hời”, “hiệu quả thần kỳ sau 7 ngày”.

“Người tiêu dùng cần cảnh giác cao độ với những sản phẩm có giá rẻ bất thường hoặc được quảng bá quá mức trên nền tảng mạng xã hội”, đại diện Công an tỉnh Thanh Hóa nhấn mạnh.

Vụ việc Nguyễn Thị Dung không phải là cá biệt. Trên TikTok và các nền tảng mạng xã hội khác, hàng trăm tài khoản rao bán mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc không rõ nguồn gốc vẫn đang hoạt động hàng ngày. Dù pháp luật đã có quy định nghiêm cấm hành vi buôn bán hàng giả, việc giám sát và xử lý còn chậm, thiếu đồng bộ.

Các chuyên gia kêu gọi cần có giải pháp kiểm soát nội dung quảng cáo thương mại trên nền tảng số, phối hợp giữa lực lượng quản lý thị trường và các công ty công nghệ để nhanh chóng phát hiện – ngăn chặn các đường dây gian lận thương mại ngay từ gốc.

Với sự hỗ trợ từ livestream, filter và tâm lý “ham rẻ” của người tiêu dùng, các đối tượng sản xuất hàng giả đang tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội để lan rộng hoạt động bất hợp pháp. Vụ việc tại Thanh Hóa là hồi chuông cảnh tỉnh, đòi hỏi một cơ chế quản lý mạnh tay hơn, đồng thời nâng cao nhận thức tiêu dùng thông minh và an toàn.