Các nhà nghiên cứu Trung Quốc vừa đạt được bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực y học thần kinh bằng việc thử nghiệm thành công giao diện não máy tính (BCI) cấy qua mạch máu, giúp bệnh nhân liệt phục hồi khả năng vận động.
Theo Interesting Engineering, nhóm nghiên cứu tại Đại học Nam Khai do giáo sư Duan Feng dẫn đầu đã hoàn tất ca thử nghiệm đầu tiên trên người với công nghệ BCI không xâm lấn sâu, mở ra kỳ vọng cho bệnh nhân bị liệt sau đột quỵ hoặc chấn thương thần kinh.
![]() |
Trung Quốc vừa đạt được bước đột phá quan trọng trong lĩnh vực y học thần kinh bằng việc thử nghiệm thành công giao diện não máy tính |
Bệnh nhân tham gia thử nghiệm là một người đàn ông 67 tuổi bị liệt nửa người sau cơn đột quỵ cách đây 6 tháng. Các bác sĩ đã tiến hành đưa các điện cực siêu nhỏ (dày chỉ 50 micromet) vào một tĩnh mạch trong não thông qua đường mạch máu ở cổ. Thiết bị điện cực này được gắn trên một stent đặt dọc thành mạch, kết nối với một thiết bị thu tín hiệu cấy dưới da vùng ngực. Cơ chế hoạt động của hệ thống cho phép thu nhận và truyền tín hiệu điện não đồ (EEG), hỗ trợ kích thích điện và huấn luyện vận động thời gian thực.
Khác biệt lớn của phương pháp này so với công nghệ của Neuralink do Elon Musk sáng lập là ở tính ít xâm lấn và không cần mở hộp sọ để cấy chip vào não. Nhờ vậy, nguy cơ biến chứng như nhiễm trùng hay hình thành huyết khối được giảm thiểu.
Kết quả thử nghiệm cho thấy bệnh nhân có thể cử động tay, cầm nắm đồ vật và thực hiện các sinh hoạt thường ngày như lấy thuốc mà không gặp phản ứng phụ. Trước đó, nhóm nghiên cứu đã thực hiện nhiều thử nghiệm trên động vật, bao gồm điều khiển chuyển động của cừu và khỉ thông qua tín hiệu não kết nối với tay máy robot.
Giáo sư Duan cho biết đây là ca cấy ghép BCI qua đường mạch máu đầu tiên trên thế giới thực hiện bằng phẫu thuật can thiệp. Ông hy vọng công nghệ này sẽ nhanh chóng được ứng dụng rộng rãi trong lâm sàng, mở ra chương mới trong điều trị phục hồi chức năng cho người liệt.
Trước đó, vào tháng 3, Đại học Phúc Đán công bố đã giúp bệnh nhân liệt hoàn toàn đứng dậy nhờ giao diện tủy sống xâm lấn tối thiểu. Tháng 5, Bệnh viện Đại học Chiết Giang cũng triển khai thành công thiết bị thần kinh tủy sống khép kín, hỗ trợ người liệt sử dụng nhà vệ sinh độc lập.
Những bước tiến liên tiếp này khẳng định vị thế ngày càng lớn của Trung Quốc trong cuộc đua nghiên cứu giao diện thần kinh, đồng thời mang lại tia hy vọng mới cho hàng triệu người mất khả năng vận động trên toàn thế giới.