Theo dự báo của Statista, Việt Nam có thể đạt mốc một triệu xe điện lưu thông vào năm 2028 và 3,5 triệu xe vào năm 2040. Tuy nhiên, để đạt được con số này, vấn đề không chỉ nằm ở sản xuất và tiêu thụ xe mà còn là khả năng đáp ứng về hạ tầng sạc.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh: nếu mạng lưới trạm sạc công cộng được mở rộng nhanh chóng, Việt Nam sẽ có bước đột phá đáng kể trong giai đoạn 2035–2050. Điều đó cho thấy, trạm sạc không còn là yếu tố phụ trợ mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để thúc đẩy phát triển phương tiện giao thông xanh.
Hiện tại, VinFast là đơn vị tiên phong trong việc phủ sóng hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Không chỉ tự xây dựng, công ty còn triển khai mô hình nhượng quyền thông qua đơn vị V-Green.
Mô hình nhượng quyền của V-Green cho phép đối tác hưởng mức chia sẻ doanh thu cố định 750 VNĐ/kWh trong tối thiểu 10 năm. Toàn bộ hệ thống quản lý, bảo trì, tiếp thị và chăm sóc khách hàng đều được V-Green hỗ trợ. Dự kiến đến năm 2025, hệ sinh thái này sẽ phục vụ khoảng 300.000 ô tô và 1 triệu xe máy điện VinFast trên toàn quốc.
V-Green đặt mục tiêu xây dựng 150.000 cổng sạc tại 63 tỉnh, thành phố với tổng vốn đầu tư lên đến 10.000 tỷ đồng. Đây hiện là mạng lưới trạm sạc lớn nhất Việt Nam.
![]() |
VinFast là đơn vị tiên phong phủ sóng hệ thống trạm sạc tại Việt Nam. Ảnh minh họa |
Không chỉ có VinFast, thị trường trạm sạc xe điện đang chứng kiến làn sóng tham gia của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước.
TMT Motors là cái tên đáng chú ý. Dù chưa phải là tên tuổi lớn trong lĩnh vực xe điện, công ty này đã nhanh chóng công bố kế hoạch triển khai 30.000 trạm sạc, phục vụ xe của TMT và toàn bộ các hãng xe điện tại Việt Nam. Đây được xem là bước đi đột phá khi thị trường hiện tại vẫn thiếu hệ thống sạc đa thương hiệu.
Kế hoạch triển khai của TMT gồm hai giai đoạn: giai đoạn đầu ưu tiên các đô thị lớn và trục giao thông chính; giai đoạn hai mở rộng ra các tỉnh, vùng sâu vùng xa. Công ty cũng tìm kiếm đối tác chiến lược trong lĩnh vực điện lực, bất động sản và dịch vụ để đẩy nhanh tốc độ triển khai.
Ngoài ra, các doanh nghiệp như EverEV, SolarEV, GreenYellow Việt Nam, EVG, Rabbit EVC, Charge Plus, DatCharge… cũng đang dần khẳng định vị thế. Trong đó, EverEV và SolarEV nổi bật với các giải pháp sạc chậm và sạc nhanh, tương thích với nhiều dòng xe điện, đặc biệt là các mẫu xe nhập khẩu chưa có hệ thống hạ tầng đi kèm.
Một số doanh nghiệp chọn mô hình kết hợp trạm sạc với dịch vụ F&B, du lịch hoặc tiện ích giải trí để tối ưu thời gian chờ sạc của khách hàng.
![]() |
Nhiều doanh nghiệp khác đang tích cực xây dựng hạ tầng trạm sạc. Ảnh minh họa |
Mặc dù thị trường sôi động, nhưng một trong những rào cản lớn nhất hiện nay là thiếu vắng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia cho trạm sạc xe điện.
Tính đến nay, Việt Nam mới có một số tiêu chuẩn riêng lẻ, chưa đủ để tạo nên khung pháp lý hoàn chỉnh cho thiết kế, vận hành và giám sát hệ thống trạm sạc. Các doanh nghiệp hiện đang phải tự điều chỉnh theo tiêu chuẩn quốc tế hoặc tự xây dựng tiêu chí kỹ thuật, gây khó khăn trong việc đồng bộ hạ tầng trên toàn quốc.
Trước thực trạng đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đang lấy ý kiến về Dự thảo Thông tư ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với trụ sạc xe điện. Quy chuẩn này dự kiến sẽ áp dụng cho các trụ sạc sử dụng dòng điện xoay chiều (AC) đến 1.000V và một chiều (DC) đến 1.500V, bao gồm cả xe điện thuần (EV) và hybrid sạc ngoài (PHEV).
Trong khi các doanh nghiệp đang tăng tốc đầu tư, người tiêu dùng vẫn dè dặt vì lo ngại thiếu điểm sạc, đặc biệt ở khu vực ngoài đô thị. Ngược lại, doanh nghiệp đầu tư trạm sạc cũng gặp rủi ro khi lượng xe điện chưa đạt quy mô đủ lớn để thu hồi vốn.
Sự mất cân đối này là điểm nghẽn cần giải quyết nếu Việt Nam muốn sớm đạt mục tiêu phát triển giao thông xanh và trung hòa carbon (Net Zero) vào năm 2050.