Tổng Công ty Phát triển Đô Thị Kinh Bắc - CTCP (HoSE: KBC) vừa công bố báo cáo tài chính quý IV/2024 với doanh thu thuần hơn 781 tỷ đồng, giảm 5% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính tăng mạnh 108%, lên gần 158 tỷ đồng. Bên cạnh đó, KBC lãi hơn 71 tỷ đồng từ các công ty liên doanh, liên kết (cùng kỳ lỗ hơn 7 tỷ đồng).
Tuy nhiên, tổng chi phí tăng 16% lên 280 tỷ đồng, chủ yếu do chi phí quản lý doanh nghiệp hơn 190 tỷ đồng (gấp đôi cùng kỳ), đã bào mòn lợi nhuận của KBC. Kết quả, Kinh Bắc báo lãi sau thuế 62,6 tỷ đồng, giảm 60% so với quý IV/2023. Doanh nghiệp cho biết lợi nhuận giảm là do trong kỳ, công ty chưa ghi nhận hết doanh thu từ các hợp đồng cho thuê đã ký.
Năm 2024, KBC có kết quả kinh doanh kém sắc hơn năm trước khi cả doanh thu gần 2.776 tỷ đồng và lãi ròng hơn 426 tỷ đồng đều giảm lần lượt 51% và 79%. Nguyên nhân chính là do doanh thu cho thuê đất và cơ sở hạ tầng khu công nghiệp (KCN) giảm mạnh 77%, còn gần 1.195 tỷ đồng.
Với kế hoạch tham vọng năm 2024 là đạt doanh thu 9.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 4.000 tỷ đồng, KBC mới chỉ thực hiện được lần lượt 31% và gần 12% mục tiêu.
![]() |
Các khoản doanh thu của Kinh Bắc trong năm 2024 |
Hiện tại, KBC đang triển khai 6 dự án bất động sản. Đáng chú ý nhất là dự án khu công nghiệp và khu đô thị Tràng Cát (Hải Phòng) với diện tích quy hoạch 585ha, diện tích thương phẩm 282ha, tổng mức đầu tư hạ tầng hơn 11.329 tỷ đồng. Dự án này đã được bàn giao đất, chấp thuận san lấp mặt bằng và đã đền bù 582ha.
Tại ngày 31/12/2024, KBC đã đầu tư hơn 8.448 tỷ đồng vào dự án Tràng Cát. Tổng tài sản tăng 34% so với đầu năm, lên hơn 44.765 tỷ đồng. Trong đó, lượng tiền và tương đương tiền tăng vọt lên hơn 6.566 tỷ đồng, gấp 7,8 lần đầu năm, chiếm 15% nguồn vốn. Hàng tồn kho gần 13.867 tỷ đồng, tăng 14% và chiếm 31% tổng tài sản.
Nợ phải trả cũng tăng cao 83%, lên gần 24.084 tỷ đồng, chủ yếu do nợ vay tài chính cao gấp 2,8 lần đầu năm, lên hơn 10.100 tỷ đồng, chiếm 42% tổng nợ. Trong đó, có hơn 967 tỷ đồng là trái phiếu. Ngoài ra, KBC có khoản phải trả dài hạn khác là khoản nhận cọc của khách hàng, lên tới 5.761 tỷ đồng, gấp 210 lần đầu năm và chiếm 24% tổng nợ.