Ngày 25/4 vừa qua, CTCP Nông nghiệp Quốc tế Hoàng Anh Gia Lai (HAGL Agrico – mã chứng khoán HNG) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025. Đại hội diễn ra trong bối cảnh doanh nghiệp vẫn đang loay hoay với tình trạng thua lỗ kéo dài.
Cổ đông giảm mạnh sau nhiều năm thua lỗ
Một trong những điểm từng làm nên tên tuổi của HAGL Agrico là lượng cổ đông đông đảo. Cặp đôi HAG – HNG từng được nhà đầu tư ưa chuộng và phổ biến trong nhiều danh mục đầu tư.
Tuy nhiên, những năm gần đây, số lượng cổ đông đã sụt giảm nhanh chóng. Riêng năm 2024, số lượng cổ đông theo danh sách chốt giữa hai kỳ Đại hội đồng cổ đông thường niên đã giảm 8.900 người. Nếu so với năm 2022, số lượng cổ đông đã giảm tới 24.000 người.
![]() |
Số cổ đông của HAGL Agrico giảm mạnh những năm gần đây |
Nguyên nhân chính khiến nhà đầu tư “rời tàu” là do giá cổ phiếu lao dốc và kết quả kinh doanh ảm đạm. Năm 2024, HAGL Agrico tiếp tục ghi nhận khoản lỗ 1.281 tỷ đồng, sau khi đã lỗ 1.098 tỷ đồng trong năm 2023.
Lũy kế đến cuối năm 2024, công ty gánh khoản lỗ lên tới 9.384 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu hiện còn khoảng 1.636 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu là 11.085 tỷ đồng.
Xét giai đoạn 10 năm qua (2015–2024), HAGL Agrico có tới 7 năm thua lỗ nặng, nhiều năm ghi nhận mức lỗ hàng nghìn tỷ đồng. Đặc biệt, năm 2022 công ty lỗ 3.576 tỷ đồng, còn năm 2019 lỗ hơn 2.400 tỷ đồng.
![]() |
Kết quả kinh doanh của HAGL Agrico |
Nợ vay phình to, chủ nợ lớn nhất là Thaco Agri
Song song với tình trạng thua lỗ, HAGL Agrico cũng chứng kiến nợ phải trả gia tăng mạnh. Tính đến cuối năm 2024, tổng nợ phải trả đạt 15.059 tỷ đồng, tăng thêm 3.200 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó, vay tài chính ngắn hạn chiếm hơn 9.600 tỷ đồng (tăng 3.400 tỷ đồng) và vay tài chính dài hạn còn khoảng 338 tỷ đồng (giảm 1.683 tỷ đồng so với đầu kỳ). Tổng vay nợ thuê tài chính ngắn và dài hạn xấp xỉ 9.900 tỷ đồng.
Mặc dù khoản vay lớn, tổng chi phí lãi vay trong năm 2024 chỉ ghi nhận khoảng 312 tỷ đồng, do công ty đã vốn hóa chi phí lãi vay hơn 333 tỷ đồng vào giá trị xây dựng dở dang (năm 2023 là 307 tỷ đồng). Khoản vốn hóa này chủ yếu phục vụ cho các dự án phát triển vườn cây cao su, cây ăn trái và chăn nuôi bò.
Thaco Agri hiện là chủ nợ lớn nhất của HAGL Agrico với dư nợ hơn 9.064 tỷ đồng. Các khoản vay này có thời hạn thanh toán đến ngày 31/5/2025, với lãi suất dao động từ 6,5% đến 8% mỗi năm.
Trong năm 2024 vừa qua, công ty vay thêm tiền của Thaco Agri để thanh toán các khoản nợ cho HAGL (HAG) và BIDV (BID), đồng thời cho vay Chính phủ Lào để đầu tư vào sân bay Nong Khang. Cùng với đó là thực hiện đầu tư đồng bộ theo mô hình mới, bao gồm máy móc, cơ sở xây dựng....
![]() |
Cơ cấu nợ phải trả của HAGL Agrico |
Đầu tư mạnh vào cây ăn trái nhưng doanh thu trái cây sụt giảm
Dù đang tập trung đầu tư mạnh vào các dự án nông nghiệp, đặc biệt là cây ăn trái, tình hình doanh thu vẫn không mấy khả quan. Tính đến cuối năm 2024, tổng giá trị xây dựng dở dang của HAGL Agrico đạt hơn 6.330 tỷ đồng, tăng thêm 1.900 tỷ đồng so với đầu năm.
Trong đó:
-
Đầu tư vào vườn cây ăn trái đạt 3.647 tỷ đồng, tăng 1.150 tỷ đồng.
-
Đầu tư vào vườn cây cao su đạt 931 tỷ đồng, tăng khoảng 120 tỷ đồng.
-
Đầu tư vào mảng chăn nuôi bò tăng gần gấp đôi, đạt 683 tỷ đồng.
Tuy nhiên, năm 2024, doanh thu bán mủ cao su tăng 37,7% lên 300 tỷ đồng, trong khi doanh thu từ mảng trái cây lại giảm mạnh 51%, chỉ còn 187 tỷ đồng.
Theo HAGL Agrico, năm 2024 Công ty đạt sản lượng trái cây tiêu thụ 13.979 tấn, sản lượng mủ cao su 7.835 tấn. Chất lượng vườn cây xuống thấp do phảu dừng chăm sóc vườn cuz, vườn kém chất lượng và tiến hành cải tạo lại vườn cây. Đồng thời, tiến độ trồng mới chậm trễ do khối lượng cải tạo mặt bằng lớn, trong khi nguồn nhân lực từ nhà thầu chưa đáp ứng được. Điều này dẫn tới diện tích thu hoạch thấp, sản lượng không cao.