Lợi nhuận bất ngờ sau ba năm trở thành kỳ lân
Kỳ lân công nghệ tài chính MoMo lần đầu tiên ghi nhận lợi nhuận trong năm 2024, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng không chỉ với riêng công ty mà còn với toàn bộ hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam.
Theo DealStreetAsia, MoMo đạt lợi nhuận ròng 347,5 tỷ đồng (khoảng 13,4 triệu USD) trong năm vừa qua, sau khi lỗ 9,9 triệu USD năm 2023. Đây là kết quả vượt kỳ vọng, trong bối cảnh nhiều kỳ lân công nghệ khu vực như Grab hay GoTo vẫn đang vật lộn với thua lỗ kéo dài.
Cột mốc tài chính quan trọng này đến chỉ nửa năm sau khi MoMo công bố định vị thương hiệu mới, chuyển mình từ một ví điện tử truyền thống thành “trợ lý tài chính AI”.
Hướng đi mới giúp công ty mở rộng từ nền tảng thanh toán hóa đơn sang hệ sinh thái dịch vụ tài chính toàn diện, bao gồm đầu tư, tiết kiệm, bảo hiểm vi mô và cho vay tiêu dùng. Thành quả đạt được không chỉ đến từ chiến lược đa dịch vụ, mà còn nhờ khả năng kiểm soát chi phí và sự bùng nổ của thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam.
Theo báo cáo tài chính năm 2024, MoMo ghi nhận doanh thu tăng 27% lên hơn 3.300 tỷ đồng, trong khi giá vốn hàng bán giảm 8%. Chi phí tài chính cũng giảm mạnh 34%, cho thấy hiệu quả sử dụng vốn được cải thiện đáng kể. Tổng tài sản tính đến cuối năm đạt 238,6 triệu USD.
Công ty hiện phục vụ hơn 30 triệu người dùng, hợp tác với 70 ngân hàng và tổ chức tài chính, 50.000 đối tác, cùng mạng lưới 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên toàn quốc.
So với các kỳ lân trong khu vực, thời gian MoMo đạt lãi được đánh giá là nhanh chóng. Sea Group (chủ sở hữu Shopee) mất 8 năm từ khi trở thành kỳ lân mới có lãi cả năm vào 2023. Grab, trở thành kỳ lân từ 2014, đến nay vẫn chưa ghi nhận lợi nhuận toàn phần.
Gojek (nay là GoTo) cũng chỉ mới có EBITDA điều chỉnh dương ba quý liên tiếp. Trong khi đó, MoMo trở thành kỳ lân vào cuối năm 2021 sau vòng gọi vốn 200 triệu USD do Mizuho (Nhật Bản) dẫn dắt và đã có lợi nhuận chỉ sau ba năm.
Giới phân tích đánh giá, thành công này cho thấy sự chuyển hướng chiến lược đúng đắn trong bối cảnh thị trường khởi nghiệp công nghệ đang thay đổi. Nếu trước đây nhà đầu tư ưu tiên tăng trưởng người dùng và định giá cao, thì nay lợi nhuận và hiệu quả vận hành là yếu tố được đặt lên hàng đầu.
MoMo nổi lên như một trong số rất ít “earnicorn” – thuật ngữ chỉ những startup vừa có định giá tỷ đô, vừa có khả năng tạo ra lợi nhuận thực sự.
Từ năm 2023, MoMo bắt đầu triển khai các sản phẩm tài chính ứng dụng trí tuệ nhân tạo nhằm cá nhân hóa trải nghiệm người dùng và mở rộng khả năng tiếp cận tài chính cho người thu nhập thấp, nhóm chưa được phục vụ đầy đủ bởi hệ thống tài chính chính thống.
Định vị mới này cũng phù hợp với định hướng chuyển đổi số quốc gia, khi Chính phủ Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ trở thành một trong ba trung tâm nghiên cứu và phát triển AI hàng đầu Đông Nam Á, và đạt 80% tỷ lệ giao dịch không dùng tiền mặt vào cuối thập kỷ.
![]() |
Ông Nguyễn Mạnh Tường, Phó chủ tịch, Đồng sáng lập kiêm Tổng giám đốc điều hành MoMo. (Ảnh: Internet) |
Giới đầu tư hướng về MoMo giữa tin đồn IPO
Thành công của MoMo cũng đặc biệt có ý nghĩa khi nhiều startup công nghệ khác vẫn đang đối mặt với khó khăn. Chẳng hạn, Tiki – ứng viên kỳ lân hàng đầu tại Việt Nam – báo lỗ gần 83 triệu USD trong năm 2023, dù đã cắt giảm chi phí gần 30%.
Trong quý I/2025, Tiki thậm chí không còn nằm trong top các sàn thương mại điện tử có thị phần lớn nhất. Điều này cho thấy khoảng cách ngày càng rõ giữa các startup “đốt tiền” và nhóm công ty kiểm soát chi phí hiệu quả, điều chỉnh chiến lược kịp thời.
Đầu năm 2025, thị trường xuất hiện tin đồn về kế hoạch IPO của MoMo. Dù ban lãnh đạo chưa đưa ra bình luận chính thức, nguồn tin từ DealStreetAsia cho biết MoMo đang nhận được sự quan tâm lớn từ các nhà đầu tư.
Tập đoàn đầu tư toàn cầu Warburg Pincus – cổ đông lớn của cả MoMo và Mynt (đơn vị vận hành ví GCash tại Philippines) – được cho là đang chuẩn bị IPO trị giá 1,5 tỷ USD cho Mynt, và nhiều khả năng sẽ thúc đẩy MoMo theo hướng tương tự. Tuy nhiên, rào cản lớn nhất vẫn là quy định trong nước: doanh nghiệp chỉ được niêm yết khi có lãi ba năm liên tiếp. MoMo hiện mới chỉ hoàn thành năm đầu tiên có lợi nhuận.
Một vấn đề khác là cấu trúc sở hữu. Theo DealStreetAsia, hiện hơn 71% cổ phần của MoMo thuộc về các nhà đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh lĩnh vực tài chính được xem là nhạy cảm, việc IPO ở nước ngoài có thể đối mặt với nhiều trở ngại pháp lý.
Dù vậy, việc báo lãi đúng lúc thị trường gọi vốn tại Việt Nam bắt đầu phục hồi (theo báo cáo của DATA VANTAGE quý I/2025) đã giúp MoMo trở thành điểm sáng hiếm hoi trong hệ sinh thái khởi nghiệp.
Trong bối cảnh thị trường thiếu vắng các thương vụ thoái vốn đáng chú ý, khả năng sinh lời là yếu tố sống còn để thu hút nguồn vốn mới. Nếu MoMo duy trì được đà tăng trưởng, công ty không chỉ tiếp tục khẳng định vị thế tại Việt Nam mà còn có thể trở thành hình mẫu thành công cho thế hệ startup công nghệ tiếp theo của Đông Nam Á.