Ngày 23/6/2023, CTCP Thủy điện Thác Bà (Mã TBC) sẽ thực hiện chi trả cổ tức bằng tiền đợt cuối năm 2022 với tỷ lệ 15% (1 cổ phiếu được nhận 1.500 đồng). Trước đó ngày 31/5, công ty đã hoàn thành việc chốt danh sách cổ đông.

Với 63,5 triệu cổ phiếu đang lưu hành, công ty dự kiến chi số tiền hơn 95 tỷ đồng cho đợt cổ tức tới đây.

Được biết Công ty TNHH Năng lượng R.E.E hiện đang là công ty mẹ nắm giữ gần 38,4 triệu cổ phiếu (tỷ lệ 60,42% vốn). Như vậy đợt chia cổ tức tới đây, Năng lượng R.E.E sẽ nhận về số tiền gần 58 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, cổ đông lớn Tổng CTCP Phát điện 3 - công ty con của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) - cũng đang sở hữu hơn 19 triệu cổ phiếu TBC (tỷ lệ 29,92% vốn).

Ghi nhận tại báo cáo tình hình quản trị năm 2022 của TBC, Năng lượng R.E.E và Phát Điện 3 đã lần lượt nhận về số tiền hơn 153 tỷ đồng và 76 tỷ đồng từ 3 lần trả cổ tức bằng tiền các đợt 1 - 2 năm 2021 và đợt 1 năm 2022.

Theo giới thiệu, Thuỷ điện Thác Bà (thị trấn Thác Bà, huyện Yên Bình, tỉnh Yên Bái) là nhà máy thuỷ điện đầu tiên của miền Bắc xã hội chủ nghĩa được xây dựng nhằm mục đích phục vụ quá trình nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Đây cũng đồng thời là 1 trong 7 nhà máy thuỷ điện của EVN.

CTCP Thủy điện Thác Bà được thành lập ngày 10/8/1971 với tiền thân là Nhà máy Thủy điện Thác Bà - đơn vị trực thuộc Tổng Công ty Điện lực Việt Nam (EVN).

Các tổ máy của doanh nghiệp đã vận hành liên tục trong nhiều thập kỷ bao gồm 3 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 40 MW với thiết bị công nghệ của Liên Xô cũ.

Ngày 30/6/1993, nhà máy chuyển thành đơn vị hoạch toán phụ thuộc Công ty Điện lực 1. Đến 30/3/2005 được đổi thành CTCP Thủy điện Thác Bà.

Ngày 29/8/2006, Thủy điện Thác Bà chính thức niêm yết cổ phiếu trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) trước khi chuyển niêm yết sang HOSE ngày 19/10/2009.

Thủy điện Thác Bà (TBC)
Cổ phiếu TBC tăng 38% trong 7 tháng gần nhất và hiện giao dịch tại mức giá đỉnh 34.200 đồng/cp

Về kết quả kinh doanh, năm 2022, Thủy điện Thác Bà ghi nhận 726 tỷ đồng doanh thu - tăng mạnh so với mức 495 tỷ của năm trước đó và vượt 43% chỉ tiêu; lãi ròng đạt mức kỷ lục 379 tỷ đồng - đạt 185% kế hoạch. Lợi nhuận sau thuế tại thời điểm cuối năm ở mức 463 tỷ.

Trong cơ cấu doanh thu năm này, 710 tỷ đồng trong số này đến từ bán điện cho "đối tác liên quan" (cụ thể là EVN - công ty mẹ của cổ đông lớn Tổng CTCP Phát điện 3).

Lãi đậm nhờ bán điện cho EVN, cổ phiếu Thủy điện Thác Bà âm thầm vượt đỉnh
Thuyết minh chi tiết doanh thu 2022 của Thủy điện Thác Bà

Tại ĐHCĐ thường niên 2023 hồi cuối tháng 3, Thủy điện Thác Bà đã thông qua kế hoạch doanh thu và lợi nhuận sau thuế lần lượt ở mức 571 tỷ đồng và 235 tỷ (giảm mạnh so với cùng kỳ). Tỷ lệ trả cổ tức dự kiến là 20%.

Chỉ tiêu sản lượng điện sản xuất hợp nhất là 567 triệu KWh và sản lượng điện giao nhận là 557,6 triệu kWh.

Thủy điện Thác Bà (TBC)

Thông tin liên quan, theo báo cáo của Cục Kỹ thuật an toàn và Môi trường công nghiệp (Bộ Công Thương), đến ngày 10/6, trên cả nước, lưu lượng nước về một số hồ chứa đã tăng so với những ngày trước đó. Tuy nhiên, hồ thủy điện Sơn La, Thác Bà cùng một số hồ khác vẫn đang ghi nhận mực nước thấp, xấp xỉ mực nước chết. Một số thủy điện phát điện cầm chừng với công suất thấp như Lai Châu, Sơn La, Tuyên Quang, Thác Bà, Thác Mơ,...

Thủy điện Thác Bà (TBC)
Ông Nguyễn Mạnh Cường - Phó Tổng Giám đốc CTCP Thủy điện Thác Bà cho biết, lần đầu tiên 2 tổ máy phát điện tại thủy điện đã phải tạm dừng hoạt động

Tháng 6, miền Bắc được dự báo tiếp tục đối mặt với nắng nóng kéo dài; tình trạng thiếu điện, tăng giá điện, cắt điện luân phiên tại nhiều tỉnh thành hay câu chuyện tài chính yếu kém của EVN đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Ngày 9/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã có buổi làm việc với Đoàn thanh tra chuyên ngành về điện nhằm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/6/2023 về việc thành lập Đoàn thanh tra chuyên ngành về quản lý và cung ứng điện của EVN từ ngày 1/1/2021 đến 1/6/2023 để làm rõ nguyên nhân, tìm giải pháp khắc phục, xử lý thỏa đáng kịp thời.