Chủ tịch Hòa Bình ngỏ ý khả năng "tiến công" thị trường Canada?

Ngày 25/3/2024, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Hội Doanh nhân Việt Nam - Canada (VCBA) phối hợp tổ chức "Diễn đàn kinh doanh: Tăng cường quan hệ kinh tế Việt Nam - Canada trong khuôn khổ Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP)".

Tại diễn đàn, các đại biểu đã giới thiệu những tiềm năng và cơ hội lớn trong lĩnh vực xuất khẩu các sản phẩm của Việt Nam vào Canada và thị trường Bắc Mỹ thông qua cửa ngõ là Canada. Bên cạnh đó, các đại biểu cũng chỉ rõ những thách thức từ yêu cầu khắt khe và các “hàng rào” thương mại mà doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam phải đối mặt khi vào thị trường Canada và Bắc Mỹ.

Tham dự diễn đàn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (Mã HBC - HoSE) - ông Lê Viết Hải nhấn mạnh: "Giải pháp xuất khẩu xây dựng sang nước ngoài, một khi trở thành hiện thực sẽ đem lại lợi ích cực kỳ to lớn cho nền kinh tế, ngành xây dựng Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực này nói riêng".

Lãnh đạo Hòa Phát, Thế giới Di động, Hòa Bình, Coteccons 'trải lòng' trước thềm ĐHCĐ, nhiều thông điệp tích cực được phát đi
Ông Lê Viết Hải - Chủ tịch HBC (bìa trái) tại sự kiện

"Đặc biệt, Canada là một trong những thị trường mà chúng ta cần hướng tới. Đây là thị trường tiềm năng cho ngành xây dựng Việt Nam - nơi mà giá thành xây dựng cao gấp rất nhiều lần so với Việt Nam. Tuy nhiên, muốn xuất khẩu ngành xây dựng sang thị trường nước phát triển như Canada thì rất cần sự đoàn kết của các doanh nghiệp trong lĩnh vực xây dựng, cần sự kết nối của các doanh nghiệp xây dựng, sản xuất vật liệu xây dựng ở Việt Nam với các doanh nghiệp người Việt trong cả hệ sinh thái ngành xây dựng ở Canada. Đặc biệt, cần biết tận dụng những điều kiện thuận lợi từ Hiệp định CPTPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương) để mở rộng xuất khẩu các sản phẩm và dịch vụ mà Việt Nam có ưu thế sang thị trường này", ông Lê Viết Hải cho biết thêm.

Chủ tịch Thế giới Di động trải lòng về tương lai

Trong một sự kiện mới đây, ông Nguyễn Đức Tài - Chủ tịch HĐQT CTCP Đầu tư Thế giới Di động (Mã MWG - HoSE) đã có những chia sẻ về kết quả kinh doanh không như kỳ vọng năm 2023, quá trình thay đổi chiến lược, tái cấu trúc toàn diện hay những kỳ vọng về bức tranh kinh doanh năm 2024.

Năm 2023, Thế giới Di động đã không hoàn thành kế hoạch kinh doanh đã đề ra. Chủ tịch MWG thừa nhận kịch bản hồi phục sức mua sau đại dịch đã không diễn ra như kỳ vọng khi xây dựng kế hoạch kinh doanh đầu năm 2023 trong bối cảnh thu nhập và niềm tin của người tiêu dùng kém khả quan.

Lãnh đạo Hòa Phát, Thế giới Di động, Hòa Bình, Coteccons 'trải lòng' trước thềm ĐHCĐ, nhiều thông điệp tích cực được phát đi
Chủ tịch MWG Nguyễn Đức Tài

Trước nhiều biến số khó lường, MWG thực hiện thay đổi chiến lược và mang ý nghĩa sống còn vào đầu quý II/2023, bao gồm ưu tiên giữ chân khách hàng để duy trì doanh thu và nỗ lực tăng trưởng thị phần, chấp nhận đánh đổi mục tiêu lợi nhuận; bước vào giai đoạn "thắt lưng buộc bụng”, kiểm soát mọi chi phí và cơ cấu nhân sự để bảo vệ dòng tiền; theo sát tình hình thị trường, đưa hàng tồn kho về ngưỡng an toàn, giảm số dư nợ ròng để đảm bảo sức khỏe tài chính lành mạnh.

Dưới góc nhìn của vị lãnh đạo MWG, những điều chỉnh quan trọng về chiến lược đã giúp MWG an toàn bước qua một trong những năm khốc liệt nhất trong lịch sử hoạt động.

MWG cũng bước vào cuộc tái cấu trúc toàn diện từ quý IV/2023 với những thay đổi quyết liệt theo hướng “giảm lượng - tăng chất”.

Với Bách hóa Xanh, bất chấp việc không mở rộng, chuỗi vẫn đạt tăng trưởng hai chữ số so với năm 2022 nhờ tập trung vào ngành hàng tươi sống. Tháng 12/2023, với doanh thu bình quân 1,8 tỷ đồng/cửa hàng, chuỗi đã đạt mục tiêu về điểm hòa vốn và dự kiến đóng góp vào lợi nhuận trung trong năm 2024.

Mặc dù vậy, khi chia sẻ về triển vọng năm nay, ông Tài nhận định còn nhiều thách thức. Dù vậy, Thế giới Di động sẽ quyết tâm để hiện thực hóa mục tiêu doanh thu 125.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 2.400 tỷ.

Chủ tịch Coteccons đánh giá về cơ hội trong dòng chảy FDI

Chia sẻ về cơ hội cho ngành xây dựng tại Hội thảo "Nhận diện điểm sáng kinh doanh và đầu tư năm 2024" diễn ra sáng 26/3, ông Bolat Duisenov - Chủ tịch HĐQT CTCP Xây dựng Coteccons (Mã CTD - HoSE) cho biết: "Khi các công ty FDI đến Việt Nam, họ sẽ gặp Chính phủ đầu tiên, sau đó là các công ty xây dựng".

Lãnh đạo Hòa Phát, Thế giới Di động, Hòa Bình, Coteccons 'trải lòng' trước thềm ĐHCĐ, nhiều thông điệp tích cực được phát đi
Chủ tịch Coteccons Bolat Duisenov

Lợi thế của Việt Nam gồm thứ nhất là Việt Nam giỏi thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, thứ hai là nhiều cam kết ổn định.

Tuy nhiên, ngoài văn hóa khác biệt, Coteccons nhìn thấy nhiều lo lắng của họ khi đặt chân đến một vùng đất mới. "15 năm qua, tôi làm việc ở Việt Nam thì giấy phép là một trở ngại lớn. Tuy nhiên, những khó khăn này đã được tháo gỡ rất nhiều và còn nhiều dư địa để tháo gỡ hơn nữa", Chủ tịch Coteccons nói.

Thứ hai, các công ty FDI cũng lo lắng về nhấn về nhân sự có giỏi không, có lành nghề không? Sau lực lượng lao động thì lo lắng tiếp theo là các nhà cung cấp, nhiều công ty FDI trước đây mang theo đội ngũ cung cấp của họ sang Việt Nam nhưng việc này đã ít dần đi.

Đây là những cơ hội cho doanh nghiệp Việt phục vụ trong chuỗi cung ứng của họ như xây dựng, logistics… Như vậy, ta có thể thấy dòng vốn FDI mang đến rất nhiều cơ hội cho doanh nghiệp Việt".

"Những gì họ lo lắng, nhức đầu để giải quyết sẽ đều là cơ hội cho chúng ta tăng giá trị của mình. Coteccons đã nhìn thấy cơ hội trong 3 năm tái cấu trúc. Chúng tôi đã dịch chuyển trọng tâm trong chiến lược kinh doanh sang đón đầu làn sóng FDI. Doanh thu từ FDI của chúng tôi đã tăng khoảng 50%. Nhìn vào bức tranh gần đây có những mảng xám nhưng không có vấn đề gì quá lớn. Chúng ta vẫn sẽ còn nhiều cơ hội lớn", ông Bolat Duisenov nói.

Trao đổi thêm về chiến lược của Coteccons trong thời gian tới, đặc biệt sau khi thâu tóm thành công hai doanh nghiệp trong lĩnh vực hạ tầng là Công ty TNHH Sinh Nam Metal cùng Công ty TNHH Cơ và Điện UG Việt Nam (UG M&E), Chủ tịch Bolat Duisenov cho biết doanh nghiệp hướng tới sự đa dạng hóa ngành nghề kinh doanh có cộng hưởng.

Nói về kết quả kinh doanh khả quan trong quý II/2024 (niên độ tài chính từ ngày 1/7/2023 đến 30/6/2024) với mức lãi ròng hơn 69 tỷ đồng - gấp 3,6 lần cùng kỳ, lãnh đạo Coteccons cho biết phần lớn nhờ cắt giảm chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí lãi vay.

Trong năm tài chính 2024, CTD đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất 17.793 tỷ đồng và lãi sau thuế 274 tỷ đồng. So với kế hoạch cả năm, Coteccons thực hiện được 55% chỉ tiêu doanh thu thuần và 50% chỉ tiêu lãi sau thuế.

Tổng Giám đốc Hòa Phát chia sẻ phương án đối phó với thép Trung Quốc

Trong buổi tiếp đón hơn 200 nhà đầu tư tại khu liên hợp Hòa Phát Dung Quất ngày 26/3, ông Nguyễn Việt Thắng - Tổng Giám đốc Tập đoàn Hòa Phát (Mã HPG - HoSE) đã trả lời nhiều câu hỏi từ các nhà đầu tư trong đó có vấn đề: "Làm thế nào để đối phó với thép giá rẻ từ Trung Quốc?".

Ông Thắng chia sẻ, việc cạnh tranh với thép Trung Quốc đã là một ưu tiên hàng đầu của Hoà Phát từ những ngày đầu làm thép bởi đây là quốc gia sản xuất lớn nhất thế giới với khoảng 1 tỷ tấn thép mỗi năm.

Theo ông Thắng, trước đây, khi Trung Quốc đang trong giai đoạn tăng trưởng 7-8% mỗi năm, họ cũng tiêu thụ lượng lớn thép và chỉ xuất khẩu ra nước ngoài một lượng nhỏ. Nhưng tình hình đã thay đổi từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát. Trong 3 năm qua, kinh tế Trung Quốc đã chậm lại đáng kể, đặc biệt là trong bối cảnh khủng hoảng bất động sản.

Lãnh đạo Hòa Phát, Thế giới Di động, Hòa Bình, Coteccons 'trải lòng' trước thềm ĐHCĐ, nhiều thông điệp tích cực được phát đi
Lãnh đạo Tập đoàn Hòa Phát giải đáp thắc mắc của các nhà đầu tư

"Tình trạng này dẫn đến sự dư thừa lớn về thép và các doanh nghiệp phải xuất khẩu nhiều hơn. Sự cạnh tranh do đó trở nên khốc liệt hơn," ông Thắng chia sẻ.

Áp lực cạnh tranh với thép Trung Quốc đã trở nên rõ ràng hơn trong thời gian gần đây. Trong 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,8 triệu tấn sắt thép từ Trung Quốc, tăng gấp 3 lần so với cùng kỳ và chiếm 70% tổng lượng nhập khẩu sắt thép.

Tuy nhiên, nhờ luôn chú trọng tới giá thành sản xuất, ông Thắng tự tin rằng Hòa Phát hoàn toàn có khả năng cạnh tranh với thép Trung Quốc. "Với cơ cấu nguyên liệu toàn cầu, thép của Hòa Phát có thể hoàn toàn cạnh tranh với thép Trung Quốc", ông Thắng chia sẻ.

Dù tự tin có thể cạnh tranh mạnh mẽ với Trung Quốc, song lãnh đạo của Hòa Phát cũng bày tỏ lo ngại về sự cạnh tranh không lành mạnh trong đó có câu chuyện phá giá, bán dưới giá thành.

Ông Thắng nhấn mạnh thông tin đáng chú ý về kịch bản Trung Quốc tăng trưởng yếu hơn dự báo có thể ảnh hưởng đến biên lợi nhuận của Tập đoàn. "Trong 1-2 năm tới, chúng ta không thể biết chắc được. Có khả năng kinh tế Trung Quốc chỉ tăng trưởng 3-4% với tình hình bất động sản tiếp tục gặp khó khăn. Kịch bản này sẽ dẫn tới ngành thép Trung Quốc càng đẩy mạnh xuất khẩu ra nước ngoài, làm tăng mức cạnh tranh và ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hòa Phát.

Trong trường hợp đó, chúng ta phải bắt buộc cạnh tranh và chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới biên lợi nhuận của Hòa Phát. Nếu Trung Quốc tiếp tục xuất khẩu ra thế giới, chúng tôi tự tin HPG có thể cạnh tranh được, song biên lợi nhuận sẽ phụ thuộc vào mức độ cạnh tranh", ông cho biết.