Từ món chả lá lốt, thịt hấp, canh xương đến món xào dân dã, lá lốt từ lâu đã là nguyên liệu quen thuộc trong mâm cơm người Việt. Không khó để bắt gặp loại lá này tại các chợ dân sinh, siêu thị Việt với giá chỉ vài nghìn đồng một mớ. Thậm chí, ở nhiều vùng quê Việt Nam, lá lốt hay mọc hoang dại ở bờ rào, góc vườn.
![]() |
Lá lốt là loại rau quen thuộc với người Việt Nam |
Thế nhưng ẩn sau hương thơm nồng và vị cay nhẹ, lá lốt lại là một "vị thuốc xanh" giàu dinh dưỡng và dược tính đã được cả y học cổ truyền và hiện đại công nhận.
Theo các chuyên gia, 100g lá lốt chứa khoảng 39 calo, 4,3g protein và nhiều khoáng chất cần thiết như:
Canxi: 260mg – tốt cho xương khớp
Phốt pho: 980mg
Sắt: 4,1mg – hỗ trợ tạo máu
Vitamin C: 34mg – tăng sức đề kháng
Thân, lá và rễ lá lốt chứa các hoạt chất tự nhiên như:
Alkaloid, beta-caryophylen – kháng viêm, giảm đau
Benzyl axetat – cải thiện tiêu hóa
Tinh dầu (0,5-1%) với piperlolotinon, piperolotin – diệt khuẩn mạnh
Flavonoid (quercetin, kaempferol, apigenin) – chống oxy hóa, bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do.
![]() |
Lá lốt từ lâu đã hiện diện trong mâm cơm Việt với các món quen thuộc |
Trong y học cổ truyền, lá lốt có vị cay, tính ấm, mùi thơm, chuyên dùng trong: Điều trị cảm lạnh, đau đầu, đau bụng, tiêu chảy; Giảm đau do phong thấp, đau nhức xương khớp khi trời lạnh; Chống hàn, hỗ trợ tiêu hóa, trị tê bì tay chân.
Dù lành tính, lá lốt không nên dùng quá nhiều, đặc biệt với người bị táo bón, nóng trong, đang có triệu chứng viêm loét dạ dày.
Chỉ nên dùng vừa phải, đúng liều lượng và tham khảo ý kiến chuyên gia nếu có ý định dùng lâu dài. Ngoài ra, nên chọn lá tươi, sạch, không thuốc trừ sâu, rửa kỹ và nấu chín để đảm bảo an toàn.
Lá lốt không chỉ là loại rau rẻ tiền, dễ tìm, mà còn là "vị thuốc dân gian" hỗ trợ hiệu quả cho sức khỏe tiêu hóa, xương khớp và miễn dịch. Nếu biết tận dụng đúng cách, lá lốt xứng đáng trở thành một phần trong "tủ thuốc tự nhiên" của mỗi gia đình Việt.