Theo báo Dân trí đưa tin, chị Nguyễn Thị Bích Ngọc (33 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TP.HCM), nguyên phó trưởng phòng văn hóa – thông tin tại một quận nội thành quyết định xin nghỉ, chuyển sang làm việc tại khu vực tư nhân sau 12 năm làm ở cơ quan Nhà nước.

Chị Ngọc tâm sự: “Tôi được nhận vào làm quản lý dự án tại một công ty truyền thông tổ chức sự kiện, một lĩnh vực khá gần với chuyên môn khi còn làm Nhà nước. Môi trường tư nhân rất năng động và khuyến khích mỗi cá nhân trong đội ngũ thỏa sức sáng tạo. Đây là điều tôi rất yêu thích nhưng cũng khiến tôi gặp áp lực trong những ngày đầu”.

Chị Ngọc chia sẻ thêm, trong buổi họp đầu tiên ở công ty mới, chị trình bày một kế hoạch và nghĩ rằng sẽ phải chờ nhiều bước mới được phê duyệt nhưng sếp chỉ hỏi đúng 2 câu rồi bảo triển khai luôn. Chị Ngọc nói: “Tôi bị sốc văn hóa suốt mấy ngày”.

Anh Trần Văn Minh (38 tuổi, ngụ tại huyện Bình Chánh, TP.HCM) từng có 9 năm là cán bộ địa chính – xây dựng tại UBND xã đã xin nghỉ sang làm nhân viên pháp lý đất đai tại một công ty bất động sản.

Anh Minh chia sẻ, trong thời gian đầu, anh không khỏi sốc văn hóa khi bất kỳ đầu việc dù lớn hay nhỏ của công ty cũng phải được quyết nhanh, làm ngay.

Tuy nhiên, anh Minh cho biết, điều này vô tình kích thích anh nỗ lực hoàn thành thật nhanh. Anh Minh nói: “Từ đó, tôi mới hiểu rằng năng suất làm việc ở khu vực tư nhân là chuyện sống còn”.

Cán bộ nghỉ việc sang làm tư nhân bị ‘sốc văn hóa’
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet

Mới đây, Chính phủ đã trình Quốc hội dự thảo Luật Cán bộ, công chức (sửa đổi) trong đó có nội dung đánh giá công chức dựa trên kết quả, sản phẩm theo vị trí việc làm; mức độ đáp ứng yêu cầu công việc và đạo đức công vụ.

Theo đó, kết quả làm việc sẽ được đo lường bằng số lượng, chất lượng và tiến độ sản phẩm (KPI). Bộ Nội vụ cho biết đang nghiên cứu áp dụng phần mềm đánh giá hiệu quả công việc công chức (KPI) theo vị trí việc làm nhằm minh bạch hóa quy trình, giảm thiểu yếu tố cảm tính.

Theo ông Nguyễn Quang Dũng, Vụ trưởng Vụ Công chức – Viên chức (Bộ Nội vụ) cho biết, hiện nay việc đánh giá công chức phần lớn mang tính hình thức khi đa số được xếp loại “hoàn thành tốt nhiệm vụ”.

Trong khi đó, khu vực tư nhân đã áp dụng KPI từ lâu vì khả năng lượng hóa công việc dễ dàng hơn.

Bên cạnh đó, ông Dũng chia sẻ, việc xây dựng KPI ở khu vực công khó hơn vì tính chất công việc hành chính khó đong đếm. Vì vậy, đánh giá KPI ở khu vực công cần kết hợp định lượng và định tính gồm: tiến độ xử lý, chất lượng văn bản và mức độ hài lòng của người dân.