Bộ Xây dựng vừa chính thức phê duyệt quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển tỉnh Đồng Tháp giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Theo quy hoạch, tỉnh Đồng Tháp sẽ phát triển 12 khu bến cảng, tập trung dọc theo sông Tiền và sông Hậu. Mục tiêu đến năm 2030 là đạt sản lượng hàng hóa thông qua khoảng 8 triệu tấn mỗi năm và phục vụ 114,4 triệu lượt khách.

Một điểm nổi bật trong quy hoạch lần này là khu bến Gò Công với tổng cộng 5 bến cảng, bao gồm: bến cảng tổng hợp Gò Công, bến cảng tổng kho dầu khí Soài Rạp – Nam sông Hậu Petro, bến cảng tổng kho xăng dầu Soài Rạp – Hiệp Phước, bến cảng phục vụ kho xăng dầu DKC Tiền Giang và bến cảng Bình Đông. Tổng công suất thiết kế của cụm cảng này đạt khoảng 5,9 triệu tấn hàng hóa và 56.300 lượt khách mỗi năm.

Tại bến cảng tổng hợp Gò Công, tỉnh sẽ nghiên cứu đầu tư một cầu cảng phục vụ tổng hợp, container và hàng rời, với chiều dài 300m. Cầu cảng này dự kiến có thể tiếp nhận tàu trọng tải đến 70.000 tấn hoặc lớn hơn, tùy theo điều kiện khai thác của tuyến luồng hàng hải và khả năng đầu tư hệ thống hạ tầng kỹ thuật phụ trợ, kết nối giao thông đến cảng.

Các bến còn lại trong khu vực Gò Công sẽ được thiết kế chuyên biệt tùy theo tính chất hàng hóa như cầu cảng lỏng, khí; cầu cảng container hoặc hàng rời.

Tại khu vực thượng nguồn sông Tiền và sông Hậu, quy hoạch đến năm 2030 sẽ tập trung phát triển hệ thống cảng nội địa dọc hai dòng sông lớn này. Sáu bến chính gồm Sa Đéc, Cao Lãnh, Lấp Vò, Thường Phước cùng một số vị trí khác sẽ được đầu tư. Các bến cảng được thiết kế để tiếp nhận tàu có trọng tải từ 5.000-10.000 tấn, đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng rời, hàng lỏng và hành khách.

Tổng nhu cầu vốn đầu tư cho hệ thống bến cảng trên địa bàn tỉnh đến năm 2030 được ước tính hơn 5.000 tỷ đồng, bao gồm cả vốn đầu tư cho hạ tầng hàng hải công cộng và vốn xây dựng, phát triển các bến cảng.

Việc quy hoạch chi tiết hệ thống cảng biển tại Đồng Tháp được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực logistics đường thủy, tạo động lực phát triển kinh tế vùng và thúc đẩy kết nối giao thương trong và ngoài khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Kể từ ngày 1/7/2025, Việt Nam chính thức có 34 đơn vị hành chính cấp tỉnh, trong đó tới 21 tỉnh, thành phố có đường bờ biển. Đáng chú ý, hai tỉnh mới dù không giáp biển nhưng vẫn sở hữu cảng biển là Đồng Nai (hợp nhất Đồng Nai và Bình Phước) và Tây Ninh (hợp nhất Tây Ninh và Long An).

Trong bức tranh sáp nhập ấy, tỉnh Đồng Tháp mới – được hình thành từ sự hợp nhất của Đồng Tháp và Tiền Giang – gây bất ngờ khi lần đầu tiên trong lịch sử sở hữu biển. Với diện tích tự nhiên gần 6.000km2, dân số hơn 4,2 triệu người, Đồng Tháp trở thành tỉnh có diện tích nhỏ nhất miền Nam nhưng lại lần đầu chạm tới đại dương, nhờ đoạn bờ biển thuộc về Tiền Giang cũ.