Theo báo cáo từ Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng), giá cát xây dựng trong tháng 6 đã tăng từ 29,95% đến 58,45% so với tháng trước. Giá đá xây dựng cũng tăng từ 7,3% đến 11,11%. Đây là mức tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt xa dự báo của giới chuyên gia.

Không chỉ dừng lại ở tỉ lệ phần trăm, giá bán cụ thể trên thị trường cũng tăng phi mã. Một khối cát tại nhiều khu vực đã vượt mốc 1 triệu đồng/m³, trong khi giá đá xây dựng tăng thêm từ 50.000 – 100.000 đồng/m³ so với cùng kỳ. Tại các chợ vật liệu xây dựng và công trường xây dựng ở cả thành thị và nông thôn, người dân và doanh nghiệp đều thừa nhận tình trạng “sốc giá” đang diễn ra rõ rệt.

Người dân và doanh nghiệp “sốc” khi giá vật liệu xây dựng tăng phi mã
Một khối cát tại nhiều khu vực đã vượt mốc 1 triệu đồng/m³. Ảnh minh họa

Giới chuyên môn chỉ ra rằng nguyên nhân chính dẫn đến đợt tăng giá VLXD lần này là do sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu. Trong bối cảnh nhu cầu xây dựng dân dụng và hạ tầng tăng mạnh, nhiều mỏ cát, đá lại phải tạm dừng hoạt động do hết hạn cấp phép, gây sạt lở hoặc vi phạm quy hoạch.

Thực tế, nhiều mỏ đủ điều kiện khai thác nhưng vẫn chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, khiến nguồn cung không kịp bổ sung. Điều này dẫn tới tình trạng tranh mua, gom hàng, đẩy giá lên cao.

Không chỉ cát và đá, một số loại vật liệu khác cũng ghi nhận mức tăng nhẹ. Giá thép tăng trung bình từ 100 – 270 đồng/kg, giá nhựa đường tăng 0,16 – 0,33%, chủ yếu do biến động của giá nhiên liệu và chi phí logistics. Riêng giá xi măng giữ được ổn định nhờ nguồn cung dồi dào từ các nhà máy trong nước.

Việc giá VLXD tăng mạnh đang tác động trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng. Theo Viện Kinh tế xây dựng, giá trị các công trình trong tháng 6 đã tăng từ 0,68% đến 3,14% tùy loại hình. Đây là mức tăng đáng kể trong bối cảnh nhiều dự án vốn đang "đứng giữa lằn ranh" về tài chính.

Người dân và doanh nghiệp “sốc” khi giá vật liệu xây dựng tăng phi mã
Việc giá VLXD tăng mạnh đang tác động trực tiếp đến chi phí đầu tư xây dựng. Ảnh minh họa

Ông Nguyễn Nghiêm Định, Phó Trưởng phòng Kinh tế và Vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Hà Nội) khuyến cáo các chủ đầu tư và đơn vị thi công cần chủ động điều chỉnh dự toán, cập nhật đơn giá thị trường và tìm kiếm phương án sử dụng vật liệu thay thế phù hợp, tránh bị động trước biến động giá cả.

Trước thực trạng này, nhiều chuyên gia cho rằng không thể chỉ trông chờ vào “bàn tay vô hình” của thị trường. Việc kiểm soát giá VLXD đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ từ trung ương đến địa phương, bao gồm: rà soát, đánh giá lại năng lực các mỏ khoáng sản; đẩy nhanh tiến độ cấp phép cho các mỏ đủ điều kiện; minh bạch hóa quy trình đấu giá và khai thác tài nguyên.

Đồng thời, các doanh nghiệp cũng được khuyến khích tăng dự trữ vật tư, xây dựng chuỗi cung ứng ổn định và hợp tác chặt chẽ với các nhà cung cấp. Chỉ khi có nguồn nguyên liệu dồi dào, thị trường mới có thể hạ nhiệt và quay lại trạng thái bình ổn.