Với giá bán tuột dốc, nhiều nông dân thu hoạch cầm chừng hoặc không thu hoạch vì sợ lỗ tiền thuê nhân công. Thậm chí với giá như hiện tại, người nông dân có thể lỗ luôn tiền vật tư.
Giá cam sành hiện nay đang ở mức rất rẻ nhưng rất ít thương lái đến thu mua. Điều này đã khiến cuộc sống của người dân tại Trà Vinh gặp nhiều khó khăn, lao đao vì đầu ra bấp bênh.
Ông Nhanh cho biết, giá cam sành luôn dao động ở mức 18.000 – 35.000 đồng/kg trong giai đoạn trước năm 2021, giúp người nông dân thu lãi gần 1 tỷ đồng/ha. Tuy nhiên, trong khoảng 2 năm trở lại đây, nhiều nông dân đã phải làm ăn cầm chừng để trả lãi ngân hàng bởi đầu ra khó khăn mà giá vật tư đầu vào thì tăng “phi mã”.
Ông Nhanh cho biết thêm, giá cam sành lao dốc là do cam chỉ được tiêu thụ trong nước. Bên cạnh đó, những năm gần đây diễn ra tình trạng cung vượt cầu khi diện tích trồng cam ở Đồng bằng sông Cửu Long và một số tỉnh miền Đông Nam Bộ liên tục tăng, kéo theo tăng cả về sản lượng.
![]() |
Ảnh minh họa - Nguồn: Internet |
Thủ phủ của cam sành là Vĩnh Long với diện tích trên 17.000ha; tiếp đến là Hậu Giang và Tiền Giang lần lượt là 9.000ha và 5.000ha. Riêng tại Trà Vinh, diện tích trồng cam sành năm 2024 là 4.700ha, trong đó hơn 3.400ha đang cho trái với sản lượng đạt gần 180.000 tấn/năm.
Trước đó, tại huyện Trà Ôn (Vĩnh Long), người dân cũng như “ngồi trên đống lửa” khi giá cam sành chỉ còn vài nghìn đồng trong khi vườn cam của họ đã đến mùa thu hoạch.
Giá cam sành giảm một phần là do nguồn cung tăng nhanh. Theo Sở Nông Nghiệp - Phát triển Nông thôn tỉnh Vĩnh Long, diện tích trồng cam sành đã tăng liên tục với tốc độ rất nhanh trong 5 năm gần đây.
Theo Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long, ông Trương Thành Dãnh, với tình hình hiện nay, nông dân càng trồng càng thua lỗ bởi giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, các chi phí khác như bơm tưới, nhân công, giống,... cũng tăng cao.
Để tìm lại vị thế cho loại quả này, Sở NN-PTNT tỉnh Vĩnh Long khuyến cáo các địa phương nên quy hoạch lại vùng trồng cam sành để tránh trình trạng cung vượt cầu. Ngoài ra, để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng từ trái cam sành như nước ép, mứt, tinh dầu,... cần có những giải pháp đẩy mạnh đầu tư, nghiên cứu các dự án khoa học công nghệ.
Đồng thời, để mở rộng thị trường tiêu thụ loại quả này, Bộ NN-PTNT đàm phán xuất khẩu chính ngạch cam sành sang Trung Quốc và các nước khác để tạo điều kiện phát triển ổn định.