Trong quý I/2025, Việt Nam đã xuất khẩu 10.278 tấn hồ tiêu sang Mỹ, chiếm tới 22% thị phần và tiếp tục duy trì vị trí số một trong danh sách các thị trường nhập khẩu. Trong năm 2024, tổng giá trị xuất khẩu hồ tiêu sang Mỹ đạt hơn 400 triệu USD, tương đương gần 10.500 tỷ đồng – một con số cho thấy vai trò đặc biệt của hồ tiêu trong cán cân thương mại nông sản.

Không chỉ chiếm ưu thế tại Mỹ, hồ tiêu Việt Nam còn thống trị toàn cầu với sản lượng khoảng 170.000 tấn, tương đương 40% sản lượng thu hoạch và tới 60% thị phần xuất khẩu toàn thế giới. Thống kê của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam cho thấy, sản lượng hồ tiêu của Việt Nam gần như bằng cả phần còn lại của thế giới cộng lại.

Mang về 10.000 tỷ mỗi năm, loại gia vị đại bổ này vẫn thua mì chính trong mâm cơm người Việt
Hồ tiêu có vị thế đặc biệt trong xuất khẩu nông sản Việt. Ảnh minh họa

Trái ngược với vị thế trên thị trường quốc tế, hồ tiêu lại là loại gia vị bị "ngó lơ" tại chính thị trường nội địa. Theo lương y Bùi Đắc Sáng (Hội Đông y Hà Nội), đa phần người Việt chỉ dùng hồ tiêu một cách "cho có" – rắc vào nước chấm hoặc vài món ăn nhất định. Lượng tiêu thụ nội địa còn thấp hơn cả mì chính – loại phụ gia không có giá trị dinh dưỡng và thường bị khuyến cáo hạn chế dùng.

Một trong những nguyên nhân chính khiến người Việt dè chừng với hồ tiêu là vì cho rằng loại gia vị này có thể gây nóng trong hoặc đau dạ dày. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, đây là quan điểm sai lầm. Trên thực tế, nếu sử dụng đúng cách, hồ tiêu không chỉ vô hại mà còn có giá trị y học cao.

Trong Đông y, hồ tiêu được xếp vào nhóm vị thuốc cay, tính nóng, quy vào kinh vị và đại tràng. Tác dụng chủ yếu là trừ lạnh, tiêu thực, giảm đau, chống nôn, đặc biệt hữu ích với các chứng đau bụng do lạnh, rối loạn tiêu hóa, buồn nôn. Ngoài ra, hồ tiêu còn có tính sát trùng và diệt ký sinh trùng, thường được dùng để bảo vệ quần áo len khỏi côn trùng gặm nhấm.

Mang về 10.000 tỷ mỗi năm, loại gia vị đại bổ này vẫn thua mì chính trong mâm cơm người Việt
Hồ tiêu rất tốt nhưng người Việt vẫn sử dụng hạn chế loại gia vị này. Ảnh minh họa

Không chỉ dừng ở y học cổ truyền, khoa học hiện đại cũng đã chứng minh nhiều công dụng ấn tượng của hồ tiêu – đặc biệt là hồ tiêu đen, loại phổ biến nhất tại Việt Nam. Thành phần piperine trong tiêu đen là một hoạt chất quý, có khả năng chống oxy hóa mạnh, bảo vệ tế bào khỏi gốc tự do và giảm viêm trong cơ thể – yếu tố then chốt trong nhiều bệnh lý mạn tính như tim mạch, tiểu đường hay ung thư.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng piperine giúp cải thiện chuyển hóa mỡ máu, làm giảm cholesterol xấu (LDL), tăng cholesterol tốt (HDL), từ đó hỗ trợ phòng ngừa xơ vữa động mạch. Ngoài ra, tiêu đen còn chứa các vitamin và chất chống oxy hóa như vitamin C, flavonoid, carotenoid, có lợi cho não bộ và tuần hoàn máu.

Mặc dù giá trị sức khỏe và kinh tế của hồ tiêu đã được khẳng định, nhưng việc khai thác tiềm năng tiêu dùng trong nước vẫn là một "mỏ vàng" chưa được đánh thức. Lương y Bùi Đắc Sáng cho biết, nếu dùng đúng liều lượng – khoảng 2-4g mỗi ngày – hồ tiêu có thể được kết hợp vào các bài thuốc dân gian để trị đau bụng, khó tiêu, hoặc thậm chí là đau răng. Tuy nhiên, do đặc tính cay nóng, người mắc bệnh trĩ, hội chứng ruột kích thích hay phụ nữ mang thai cần thận trọng và nên tham khảo ý kiến chuyên môn trước khi dùng.