Năm 2025 đang đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của ngành mực, bạch tuộc Việt Nam sau giai đoạn đầy biến động từ 2022 đến 2024. Trong 5 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu nhóm sản phẩm này đạt gần 274 triệu USD, tăng hơn 14% so với cùng kỳ năm trước.
Các thị trường truyền thống tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ổn định, trong khi nhiều thị trường mới nổi cũng ghi nhận tín hiệu tích cực, mở ra kỳ vọng bứt phá trong cả năm.
![]() |
Các thị trường truyền thống vẫn giữ vững đà tăng trưởng ổn định. (Ảnh minh hoạ) |
Hàn Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, nhập khẩu hơn 100 triệu USD trong 5 tháng, chiếm 36% tổng kim ngạch xuất khẩu, tăng 6% so với cùng kỳ năm 2024. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu mực nang đông lạnh và bạch tuộc hấp sơ chế sang thị trường này.
Nhật Bản đứng thứ hai với gần 69 triệu USD, tăng 19%.
Trung Quốc cho thấy dấu hiệu tăng tốc sau thời gian chững lại, với hơn 26 triệu USD tăng 2% nhờ nhu cầu gia tăng từ chuỗi dịch vụ ăn uống khi nước này mở cửa trở lại.
Thị trường EU cũng ghi nhận đà tăng trưởng mạnh với gần 15 triệu USD, tăng 11%. Trong đó, Italy tăng 6%, Tây Ban Nha tăng 71% và Bỉ tăng 24%, giúp EU giữ vững vị trí là thị trường lớn thứ 5 của ngành.
![]() |
Biểu đồ thể hiện kim ngạch xuất khẩu mực và bạch tuộc của Việt Nam từ tháng 1 đến tháng 5 trong các năm 2023, 2024 và 2025. |
Bên cạnh đó, nhiều thị trường mới nổi như Philippines, UAE, Campuchia và Canada ghi nhận mức tăng trưởng trên 40%, cho thấy tiềm năng mở rộng ở phân khúc trung cấp và tiện lợi.
VASEP đánh giá xuất khẩu mực, bạch tuộc trong 5 tháng đầu năm đã có khởi đầu đầy ấn tượng và là tiền đề quan trọng để hướng tới mục tiêu vượt mốc 700 triệu USD trong năm 2025. Trong bối cảnh thị trường toàn cầu đang phục hồi, các doanh nghiệp cần đẩy mạnh chế biến sâu, nâng cao năng lực truy xuất nguồn gốc và khai thác hiệu quả các thị trường mới.
Tuy nhiên, để đạt mục tiêu này, bên cạnh nỗ lực từ phía doanh nghiệp, cần có sự hỗ trợ kịp thời từ Chính phủ đặc biệt trong việc tháo gỡ các vướng mắc về xác nhận, chứng nhận hải sản khai thác và tạo điều kiện thuận lợi cho nguồn nguyên liệu trong nước. Đây là yếu tố then chốt giúp ngành giữ vững và nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.