Lần đầu tiên trong lịch sử, Thụy Điển, một quốc gia phương Tây vươn lên vị trí thứ ba trong danh sách các nền kinh tế rót vốn FDI đăng ký mới cao nhất vào Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2025. Đây là kết quả của một bước nhảy vọt tới 43 bậc, nhờ vào dự án đầu tư quy mô lớn trong tháng 6 – Tổ hợp sản xuất tái chế vải polyester trị giá 1 tỷ USD tại Khu kinh tế Nhơn Hội (Gia Lai) do Công ty SYRE Impact AB (Thụy Điển) triển khai.

Dự án này tập trung vào tái chế phế liệu dệt may thành hạt nhựa PET phục vụ ngành dệt may xanh, phù hợp với định hướng phát triển bền vững của Việt Nam và xu hướng chuyển đổi xanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Với tổng vốn đầu tư lên tới 1 tỷ USD, Thụy Điển chiếm 10,8% tổng vốn FDI đăng ký mới vào Việt Nam nửa đầu năm nay, chỉ xếp sau Singapore (2,41 tỷ USD, chiếm 25,9%) và Trung Quốc (2,13 tỷ USD, chiếm 22,9%).

Cùng kỳ năm 2024, Thụy Điển đứng ở vị trí 46 về tổng vốn FDI đăng ký mới. Bước tiến này không chỉ là cú hích lớn cho dòng vốn châu Âu vào Việt Nam, mà còn cho thấy sự quan tâm ngày càng gia tăng của nhà đầu tư Thụy Điển đến các lĩnh vực xanh, công nghệ sạch và sản xuất bền vững tại Việt Nam.

Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam từ năm 1969, và luôn là đối tác ủng hộ tích cực trong quá trình đấu tranh giành độc lập cũng như xây dựng phát triển đất nước. Đến năm 2024, nước này có hơn 70 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký khoảng 680 triệu USD, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực công nghiệp chế biến – chế tạo, công nghệ thông tin, hạ tầng và bán lẻ.

Trong số các doanh nghiệp Thụy Điển có dấu ấn lớn tại Việt Nam, ABB là cái tên quen thuộc với nhà máy sản xuất tủ điện tại Bắc Ninh và vai trò đối tác trong nhiều dự án công nghiệp, hạ tầng. Tetra Pak – doanh nghiệp chuyên về bao bì thực phẩm – sở hữu nhà máy trị giá khoảng 135 triệu USD tại Bình Dương, một trong những cơ sở hiện đại nhất của tập đoàn trên toàn cầu. Trong lĩnh vực viễn thông, Ericsson đóng vai trò quan trọng trong hợp tác chuyển giao công nghệ 5G. H&M đã hiện diện tại nhiều thành phố lớn thông qua chuỗi cửa hàng thời trang, còn IKEA dù chưa có trung tâm bán lẻ nhưng đã đặt văn phòng đại diện và trung tâm thu mua tại TP.HCM từ năm 2015.

Một quốc gia phương Tây leo 43 bậc, lần đầu tiên trong lịch sử lọt Top 3 nhà đầu tư FDI mới tại Việt Nam
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Lễ trao Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án tổ hợp sản xuất tái chế vải polyestergiữa Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định Hồ Quốc Dũng và bà Susanna Campbell, Chủ tịch Tập đoàn Syre. (Ảnh: Cổng TTĐT tỉnh Bình Định).

Ở chiều ngược lại, doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào Thụy Điển còn rất khiêm tốn, với chỉ 3 dự án và tổng vốn gần 1 triệu USD. Tổng kim ngạch thương mại song phương năm 2024 đạt 1,48 tỷ USD. Thụy Điển hiện xếp thứ 29/149 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam, với 111 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt 743,39 triệu USD.

Đáng chú ý, trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Thụy Điển của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vào tháng 6/2025, hai nước đã thống nhất nâng cấp quan hệ song phương lên tầm Đối tác chiến lược ngành trong lĩnh vực khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác về công nghệ cao, chuyển đổi số, năng lượng, bán dẫn và đào tạo nhân lực chất lượng cao – những lĩnh vực được kỳ vọng sẽ mở ra làn sóng đầu tư mới giữa hai quốc gia trong thời gian tới.