Chungin "Roy" Lee, sinh viên 21 tuổi ngành Khoa học máy tính tại Đại học Columbia, đã bị đình chỉ học một năm sau khi phát triển và công bố công cụ AI giúp gian lận trong các buổi phỏng vấn tuyển dụng của các công ty công nghệ lớn như Amazon, Meta và TikTok.

Ngày 26/3, Lee chia sẻ trên LinkedIn thư thông báo từ Văn phòng quản lý sinh viên của Đại học Columbia về quyết định đình chỉ học do anh "công bố các tài liệu trái phép" liên quan đến buổi họp kỷ luật về công cụ Interview Coder.

Interview Coder, công cụ AI do Lee phát triển, có khả năng giải các bài toán mã hóa tương tự LeetCode – nền tảng phổ biến trong các buổi phỏng vấn kỹ thuật của các công ty công nghệ. Công cụ này có thể hiểu câu hỏi từ văn bản hoặc lời nói, sau đó tự động viết mã, tối ưu hóa và cung cấp lời giải thích chi tiết, giúp ứng viên dễ dàng vượt qua vòng phỏng vấn mà không cần tự giải bài toán.

Nam sinh viên gây chấn động với AI 'vô hình' trước hệ thống giám sát của các công ty công nghệ hàng đầu thế giới bị đình chỉ học
"Roy" Lee, tác giả Interview Coder

Lee khẳng định Interview Coder "miễn nhiễm" với các hệ thống phát hiện gian lận trên Zoom hay Google Meet, thậm chí "không thể bị phát hiện qua webcam". Để chứng minh hiệu quả, anh từng đăng video quay cảnh mình vượt qua phỏng vấn của Amazon lên YouTube nhưng sau đó đã gỡ bỏ.

Lee cho biết anh không phát triển công cụ này để tìm kiếm công việc mà nhằm chỉ ra sự bất cập của hệ thống phỏng vấn hiện tại. Theo anh, việc yêu cầu ứng viên giải thuật toán trên LeetCode không phản ánh chính xác năng lực làm việc thực tế. "Mọi người ngày nay đều lập trình với sự trợ giúp của AI. Thật vô nghĩa khi có một định dạng phỏng vấn cho rằng bạn không sử dụng nó", Lee chia sẻ.

Lee bắt đầu phát triển Interview Coder sau khi dành 600 giờ luyện tập LeetCode với mong muốn gia nhập một công ty công nghệ lớn nhưng lại cảm thấy quá áp lực và suýt từ bỏ lập trình. Công cụ này hiện được bán với giá 60 USD/tháng và theo tuyên bố của Lee, công ty khởi nghiệp của anh sắp đạt doanh thu định kỳ một triệu USD mỗi năm.

Hành động của Lee gây ra nhiều tranh cãi trong cộng đồng công nghệ. Một số lập trình viên đồng tình với quan điểm rằng các bài phỏng vấn thuật toán không phản ánh thực tế công việc. Trong khi đó, nhiều nhà tuyển dụng cho rằng Interview Coder là một công cụ gian lận nghiêm trọng, làm suy giảm tính công bằng trong tuyển dụng. "Với tư cách là người phỏng vấn, tôi rất khó chịu với cậu ta, nhưng với tư cách là một ứng viên, tôi lại vô cùng ngưỡng mộ", Yangshun Tay, cựu kỹ sư tại Meta, bày tỏ trên LinkedIn.

Sự phát triển của các công cụ AI như Interview Coder buộc nhiều công ty công nghệ phải xem xét lại phương thức tuyển dụng. Google và một số công ty khác đang cân nhắc quay lại hình thức phỏng vấn trực tiếp để hạn chế gian lận. Studio.init, một startup công nghệ, đã áp dụng biện pháp tương tự sau khi phát hiện hơn 50% ứng viên gian lận bằng AI trong một vòng tuyển dụng.

Deloitte, một trong bốn công ty kiểm toán lớn nhất thế giới, đã khôi phục các buổi phỏng vấn trực tiếp. Amazon cũng yêu cầu ứng viên cam kết không sử dụng công cụ gian lận trong quá trình phỏng vấn. "Amazon đang thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để chống lại gian lận bằng AI", người phát ngôn công ty này cho biết.

Làn sóng AI tạo sinh bùng nổ từ cuối năm 2022 với sự xuất hiện của ChatGPT. Các chuyên gia cảnh báo các công cụ gian lận bằng AI đã đạt đến mức gần như không thể phát hiện, đặt ra bài toán hóc búa cho các doanh nghiệp trong việc đảm bảo công bằng trong tuyển dụng.