Các nền kinh tế giàu nhất thế giới đã có những con đường khác nhau để phục hồi sau những tác động tàn khốc của Covid-19.

Nhưng không phải tất cả sự phục hồi sau đại dịch đều phát triển như nhau.

Vào thời điểm có nhiều cuộc khủng hoảng về chiến tranh, căng thẳng địa chính trị, dư chấn kéo dài của đại dịch, lạm phát cao và chi phí vay cao đè nặng lên tăng trưởng toàn cầu, thì có rất ít điểm sáng.

Nền kinh tế Mỹ là một trong ít điểm sáng đó. Theo CNN, tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ năm 2023 tăng trưởng ở mức đáng chú ý 5,2% trong quý III, vượt qua Trung Quốc - quốc gia vốn từ lâu đã là động lực tăng trưởng toàn cầu.

Innes McFee, nhà kinh tế trưởng toàn cầu của Oxford Economics, nhận xét: “Mỹ đã thực sự vượt trội so với các nước khác trong năm qua”.

Tháng trước, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) có trụ sở tại Paris đã trở thành cơ quan liên chính phủ mới nhất nâng cấp dự báo tăng trưởng của Mỹ trong năm nay và năm tới, đồng thời hạ triển vọng của 20 quốc gia sử dụng đồng euro.

Điều đó diễn ra sau những động thái tương tự của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vào tháng 10.

IMF hiện kỳ vọng GDP của Mỹ sẽ tăng 2,1% trong năm nay và 1,5% vào năm 2024 - cao hơn gấp đôi tốc độ tăng trưởng dự báo cho nền kinh tế Anh và vượt xa khu vực đồng euro, được dự đoán sẽ tăng 0,7% trong năm nay và 1,2% năm sau.

Lý giải cho vận mệnh khác nhau của các nền kinh tế tiên tiến nhất thế giới là bởi sự khác biệt về giá năng lượng, các biện pháp kích thích thời đại dịch và tác động của lãi suất cao hơn.

Nhưng cũng có những yếu tố mang tính cấu trúc, dài hạn hơn góp phần tạo nên sự khác biệt, giúp quốc gia này chiếm thế thượng phong. Mặc dù vậy, nền kinh tế Mỹ được nhiều người dự đoán sẽ tăng trưởng với tốc độ chậm hơn nhiều trong những tháng cuối năm do tiền tiết kiệm thời đại dịch giảm dần và chi phí đi vay vẫn ở mức cao nhất trong 22 năm.

Giá năng lượng tăng

Nhà kinh tế trưởng Clare Lombardelli của OECD nói với các phóng viên vào tuần trước rằng tác động của việc giá năng lượng tăng vọt vào năm ngoái là nguyên nhân chính dẫn đến khoảng cách giữa nền kinh tế Mỹ và khu vực đồng euro.

Lạm phát ở châu Âu cao hơn ở Mỹ vì khu vực này, bao gồm cả Anh, là các nước nhập khẩu ròng năng lượng. Nền kinh tế Anh lẫn khu vực đồng euro đều chịu ảnh hưởng nặng nề trước sự tăng vọt của giá khí đốt tự nhiên sau cuộc xung đột của Nga và Ukraine vào tháng 2/2022, khiến hóa đơn năng lượng của các hộ gia đình và doanh nghiệp tăng cao kỷ lục.

Preston Caldwell, nhà kinh tế trưởng Hoa Kỳ của Morningstar Research Services, cho biết: “Dầu là hàng hóa toàn cầu, nhưng khí đốt tự nhiên lại được phân chia theo khu vực. Mặc dù giá khí đốt tự nhiên đã tăng (ở Mỹ), nhưng ở châu Âu, chúng đã tăng cao hơn nhiều và gây ảnh hưởng lớn đến sản lượng và vẫn còn tồn đọng đến tận giờ.”

Đức là quốc gia cảm nhận được toàn bộ ảnh hưởng của cú sốc năng lượng vì lĩnh vực sản xuất khổng lồ của nước này và sự phụ thuộc vào khí đốt Nga vào thời điểm đó.

Nền kinh tế Mỹ ngày càng vượt trội, bỏ xa các quốc gia giàu có khác, vững ngôi cường quốc số 1 thế giới
Lĩnh vực sản xuất của Đức bị ảnh hưởng nặng nề do giá năng lượng tăng vọt do cuộc chiến Nga - Ukraine. Ảnh: CNN

Chính sách tài khóa và tiền tệ

Trong khi các quan chức ở cả hai bờ Đại Tây Dương tung ra các biện pháp kích thích tài chính để hỗ trợ nền kinh tế của họ khỏi tác động của Covid-19, thì Mỹ đã làm như vậy ở quy mô lớn hơn nhiều.

Sự hỗ trợ hào phóng của chính phủ, bao gồm cả việc tạm hoãn trả nợ, kết hợp với sự thay đổi mô hình tiêu dùng và “sự bùng nổ tái cấp vốn” trong bối cảnh lãi suất thấp kỷ lục đã giúp lấp đầy kho bạc của người Mỹ.

Carsten Brzeski, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế vĩ mô toàn cầu tại ngân hàng ING của Hà Lan, nhận thấy khoản tiết kiệm tích lũy trong thời kỳ đại dịch cho phép người tiêu dùng Mỹ tiếp tục chi tiêu bất chấp giá cả tăng cao. Điều đó bù đắp cho tác động tiêu cực của lạm phát đối với tiêu dùng, động lực chính của nền kinh tế Mỹ.

Tuy nhiên, người Mỹ đã khai thác quá mức “con heo đất của họ” trong vài năm qua, trong khi các tài khoản tiết kiệm ở các quốc gia khác hầu như không bị ảnh hưởng. McFee tại Oxford Economics cho biết điều đó có thể tạo ra “những lỗ hổng” cho Hoa Kỳ trong tương lai.

Ngoài ra, theo như McFee, những người nắm giữ thế chấp và người vay doanh nghiệp thường phải tái cấp vốn ít xảy ra thường xuyên hơn ở Mỹ so với các quốc gia khác, dẫn đến chính sách tiền tệ mất nhiều thời gian hơn để cung cấp cho nền kinh tế.

Sự chậm lại của Trung Quốc

Rất hiếm khi tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ sánh ngang với tốc độ tăng trưởng của Trung Quốc. Nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã có một khởi đầu năm mới vững chắc sau 3 năm hạn chế vì Covid.

Tuy nhiên, sự phục hồi đã gặp trở ngại trong quý từ tháng 4 đến tháng 6 trong bối cảnh chi tiêu tiêu dùng yếu, bất động sản sụt giảm dai dẳng và nhu cầu toàn cầu đối với hàng hóa sản xuất của nước này giảm sút.

Theo Julian Evans-Pritchard, nhà kinh tế trưởng về Trung Quốc tại Capital Economics, cho biết Trung Quốc đã lấy lại được một số động lực trong những tháng gần đây, với niềm tin của các hộ gia đình được cải thiện và doanh số bán lẻ tăng tốc.

Việc chính phủ tăng tốc chi tiêu để hỗ trợ nền kinh tế cũng sẽ “mang lại một số động lực”.

Nền kinh tế Mỹ ngày càng vượt trội, bỏ xa các quốc gia giàu có khác, vững ngôi cường quốc số 1 thế giới
Các nhà phân tích cho rằng tình trạng suy thoái bất động sản có thể sẽ kéo dài, cản trở triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc trong nhiều năm. Ảnh: CNN

Mặt khác, theo IMF, Ấn Độ được dự báo sẽ tăng trưởng 6,3% trong năm nay và năm tới, điều này sẽ khiến nước này trở thành nền kinh tế lớn tăng trưởng nhanh nhất thế giới - và là thách thức ngày càng tăng đối với nước láng giềng.

Sự bùng nổ AI sắp xuất hiện

Mặc dù hiệu suất “nóng bỏng” của Mỹ đã vượt kỳ vọng nhưng các nhà kinh tế cho rằng điều đó khó có thể tiếp tục.

Thay vào đó, nền kinh tế dự kiến sẽ trải qua một đợt suy thoái khiêm tốn trong quý này và trong năm tới. Caldwell của Morningstar dự đoán tốc độ tăng trưởng hàng năm của Mỹ sẽ đạt dưới 1% trong quý II và quý III.

Trong khi đó, một số CEO ngân hàng lớn, bao gồm Jane Fraser của Citigroup và Jamie Dimon, CEO của JPMorgan Chase, đã cảnh báo nền kinh tế Mỹ có thể sớm rơi vào tình trạng kém chắc chắn hơn.

Nền kinh tế Mỹ ngày càng vượt trội, bỏ xa các quốc gia giàu có khác, vững ngôi cường quốc số 1 thế giới
Sự phát triển bùng nổ của AI cùng khả năng vượt trội kinh tế có thể giúp Mỹ ngày càng mở rộng khoảng cách so với các quốc gia khác. Ảnh: Getty image

Nhưng về lâu dài, bức tranh kinh tế có vẻ sẽ sáng sủa hơn và có thể củng cố thêm vị thế dẫn đầu của Mỹ so với châu Âu trong những năm tới.

Đạo luật Giảm lạm phát của Tổng thống Joe Biden, dự kiến phân bổ 369 tỷ USD cho các dự án năng lượng sạch, có thể thu hút nhiều đầu tư hơn nữa vào Mỹ, vốn đã là một trong những nơi tốt nhất để huy động vốn trên toàn cầu.

Theo dữ liệu của OECD, chỉ riêng trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo, vốn đầu tư mạo hiểm tích lũy ở Mỹ đã đạt gần 450 tỷ USD trong thập kỷ qua. Con số này cao gấp đôi mức đầu tư vào AI ở Trung Quốc và gần gấp 10 lần so với EU hoặc Anh.

Andrew Kenningham, nhà kinh tế trưởng về châu Âu tại Capital Economics, cho rằng sự tập trung của các công ty công nghệ tiên tiến và sự tiếp thu nhanh chóng các công nghệ mới đã giúp Mỹ đạt được mức tăng năng suất mạnh mẽ, đặc biệt là so với châu Âu và Anh.

Và theo Kenningham, với việc Mỹ đã sẵn sàng để tận dụng tối đa sự phát triển của AI, khoảng cách đó có thể được mở rộng.