Trên hành trình hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống lên đến 16% trong năm 2025 – mức cao nhất kể từ 2018 – các ngân hàng đang đứng trước áp lực chưa từng có về huy động nguồn vốn trung và dài hạn.

Đáng chú ý, không chỉ là đơn vị phát hành, chính các ngân hàng cũng là lực lượng mua chủ lực trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN), tạo thế “độc quyền mềm” trên cả hai mặt trận cung – cầu vốn. Chiến lược này vừa giúp các ngân hàng chủ động trong việc kiểm soát thanh khoản, vừa duy trì tỷ lệ an toàn vốn trong bối cảnh lãi suất huy động bị kiểm soát và tín dụng đang tăng tốc nhanh chóng.

Ngân hàng ‘tung chiêu’ trái phiếu: Đòn bẩy vàng cho cuộc đua tín dụng 16%
Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Trái phiếu ngân hàng chiếm lĩnh trận địa: Công cụ cân bằng chi phí, kỳ hạn và an toàn vốn

Theo báo cáo của FiinRatings, dư nợ toàn thị trường TPDN dự kiến tăng 15–20% trong năm nay, với khu vực ngân hàng thương mại đóng góp tỷ trọng áp đảo. Riêng trong quý I/2025, Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB) phát hành 6.767 tỷ đồng, Phương Đông (OCB) 6.183 tỷ đồng, Quân Đội (MB) 2.199 tỷ đồng, còn LPBank phát hành hai lô trị giá 2.900 và 100 tỷ đồng. Không dừng lại ở đó, ACB dự kiến huy động thêm 20.000 tỷ đồng qua 10 đợt phát hành riêng lẻ, trong khi VietinBank chuẩn bị triển khai phát hành công chúng đợt 2 với giá trị tối đa 4.000 tỷ đồng.

Các trái phiếu này có kỳ hạn dài từ 6–10 năm, với lãi suất thả nổi tính theo trung bình lãi suất tiết kiệm 12 tháng tại 4 ngân hàng lớn cộng thêm biên độ từ 1,5–3,2 điểm phần trăm (%). Điều này đáp ứng chuẩn vốn cấp 2 theo Basel II/III, đồng thời tuân thủ giới hạn sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung – dài hạn (30%) theo Thông tư 08/2023/TT-NHNN. Đây là lợi thế rõ rệt trong bối cảnh tăng vốn điều lệ (vốn cấp 1) gặp khó do phụ thuộc thị trường chứng khoán.

Trên thị trường sơ cấp, khối ngân hàng hiện giữ vai trò “thống trị kép”: vừa phát hành để huy động vốn trung – dài hạn, vừa là nhà đầu tư chính vào TPDN. Theo Công ty Chứng khoán Yuanta, chi phí vốn (COF) của các ngân hàng có thể tăng từ 10–50 điểm cơ bản trong năm nay do áp lực tỷ giá và cầu vốn dài hạn. Tuy nhiên, phát hành trái phiếu giúp ngân hàng cơ cấu kỳ hạn, giảm phụ thuộc tiền gửi ngắn hạn và nâng cao chỉ số an toàn vốn, qua đó tối ưu hóa sức bật tín dụng.

NIM bị “bào mòn”, CASA phân hóa: Trái phiếu là “phao cứu sinh” duy trì biên lợi nhuận

Theo thống kê của VNDirect, biên lãi ròng (NIM) tại các ngân hàng lớn đang tiếp tục bị bào mòn. BIDV giảm xuống 2,27%, Sacombank còn 3,63%, Techcombank lùi về mức 4,3%, dù tín dụng vẫn tăng trưởng tốt. Trong khi đó, báo cáo từ MBS Research cho biết có đến 78% lợi nhuận của ngân hàng niêm yết đến từ tín dụng, khiến việc bảo toàn NIM trở thành ưu tiên sống còn trong chiến lược kinh doanh.

Do khó có khả năng tăng lãi suất cho vay trong bối cảnh hỗ trợ nền kinh tế và giữ ổn định tỷ giá, các ngân hàng buộc phải tìm đến kênh trái phiếu như một “phao cứu sinh” để bù đắp chi phí vốn đang leo thang. Đặc biệt, các ngân hàng có tỷ lệ CASA cao đang có lợi thế lớn. MB dẫn đầu với 38%, Techcombank 35,9%, Vietcombank 35%, tạo điều kiện để duy trì lãi suất huy động ở mức thấp, tăng năng lực cạnh tranh và linh hoạt trong cấp tín dụng.

Ngược lại, nhóm ngân hàng có CASA thấp như Bac A Bank (2,92%), VietBank (4,95%) và Nam A Bank (6,31%) buộc phải đẩy mạnh phát hành trái phiếu để đáp ứng yêu cầu thanh khoản trung – dài hạn. Theo bà Trần Thị Khánh Hiền – Giám đốc Khối Nghiên cứu MBS: “NIM của các ngân hàng khó có thể tăng mạnh trong năm 2025 do lãi suất huy động có thể tăng nhẹ trở lại, trong khi lãi suất cho vay không còn nhiều dư địa điều chỉnh giảm”.

Cùng lúc, Vietcap nhận định rằng trong giai đoạn hiện tại, động lực tăng trưởng lợi nhuận của ngân hàng sẽ không còn đến từ NIM. Thay vào đó, ngân hàng nào có CASA cao, chất lượng tài sản tốt, định hướng bán lẻ rõ ràng và kiểm soát tốt chi phí vốn mới là bên chiếm ưu thế dài hạn.

Tín dụng tăng tốc, tỷ giá ổn định: Trái phiếu thành “xương sống” dẫn dắt tăng trưởng

Tại Hội nghị Khu vực 8 ngày 3/4/2025, Phó Thống đốc NHNN Phạm Quang Dũng cho biết tín dụng toàn hệ thống đã tăng 2,5% tính đến 25/3 – gấp gần 10 lần cùng kỳ năm trước (0,26%) – trong khi vốn huy động mới tăng 0,55%, đẩy hệ số LDR lên sát ngưỡng 103%. Trong bối cảnh nguồn vốn ngắn hạn không đủ bù đắp tốc độ tăng tín dụng, trái phiếu ngân hàng đang trở thành “xương sống” bảo đảm dòng chảy vốn vào nền kinh tế.

Điểm tựa cho xu hướng này là triển vọng ổn định tỷ giá. Sau khi Tổng thống Donald Trump công bố mức thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank đã chạm mốc 26.000 đồng ngày 03/4. Tuy nhiên, theo bà Đặng Nguyệt Minh – Giám đốc Khối nghiên cứu Dragon Capital – “với dự trữ ngoại hối đạt khoảng 80 tỷ USD và kỳ vọng Fed cắt giảm lãi suất, tỷ giá sẽ duy trì ổn định trung – dài hạn”, tạo điều kiện thuận lợi để các ngân hàng phát hành trái phiếu với chi phí vốn hợp lý.

Song song đó, kết quả điều tra xu hướng kinh doanh quý II/2025 của NHNN cho thấy: các tổ chức tín dụng kỳ vọng tín dụng tăng 4,39%, còn huy động vốn chỉ tăng 4,19%. Cả năm, tăng trưởng tín dụng kỳ vọng đạt 16,4% trong khi vốn huy động chỉ tăng 13,1%. Sự chênh lệch này tiếp tục là lý do để hệ thống ngân hàng tăng cường phát hành TPDN.

Môi trường lãi suất cũng đang ủng hộ kênh trái phiếu. Theo dự báo của NHNN, mặt bằng lãi suất cho vay năm 2025 có thể giảm thêm 0,03–0,08 điểm %, trong khi lãi suất huy động tăng nhẹ từ 0,02–0,17 điểm %, tùy kỳ hạn. Trong môi trường lãi suất như vậy, trái phiếu là công cụ duy nhất đủ sức cân bằng giữa chi phí – lợi nhuận – kỳ hạn vốn.

Trái phiếu ngân hàng không chỉ là một công cụ tài chính đơn thuần mà đã trở thành trụ cột chiến lược trong điều hành tín dụng năm 2025. Với vai trò huy động vốn trung – dài hạn, cân bằng chi phí – kỳ hạn, hỗ trợ ổn định thanh khoản và duy trì tốc độ tăng trưởng, trái phiếu ngân hàng sẽ tiếp tục đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc tài chính của các ngân hàng thương mại và nền kinh tế. Trên nền tảng điều hành linh hoạt từ NHNN và niềm tin thị trường đang dần hồi phục, trái phiếu ngân hàng chính là “đòn bẩy” giúp Việt Nam thực hiện mục tiêu tăng trưởng tín dụng 16% một cách bền vững và an toàn trong năm 2025.