Theo Báo VnExpress, ngày 20/6, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giới thiệu dự thảo Nghị định về chính sách học bổng dành cho người học trong các lĩnh vực khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược tại một số trường đại học khu vực phía Nam.
Theo ông Ngô Văn Thịnh – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, sinh viên và học viên cao học theo học các ngành thuộc ba lĩnh vực nói trên, dù ở trường công lập hay ngoài công lập, dự kiến sẽ được hỗ trợ sinh hoạt phí 3,63 triệu đồng mỗi tháng, kéo dài tối đa 10 tháng mỗi năm học. Như vậy, mức hỗ trợ này tương đương với chính sách đang áp dụng cho sinh viên sư phạm.
![]() |
Ông Ngô Văn Thịnh, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, trình bày về dự thảo nghị định hỗ trợ học bổng và sinh hoạt phí cho sinh viên theo học các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược, sáng 20/6. Ảnh: Lệ Nguyễn |
Ngoài ra, người học có kết quả học tập xuất sắc có thể được cấp học bổng toàn phần (100% học phí). Với học lực giỏi và khá, mức học bổng dự kiến tương ứng là 70% và 50%, căn cứ theo trần học phí do Chính phủ quy định.
Danh mục ngành được hưởng chính sách hỗ trợ
Khoa học cơ bản: Toán học, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Khoa học máy tính, Khoa học môi trường.
Kỹ thuật then chốt: Hai phương án đề xuất bao gồm các ngành như Công nghệ thông tin, Kỹ thuật điện - điện tử, Cơ khí, Kỹ thuật xây dựng, Tự động hóa, Hàng không, Kỹ thuật ô tô, Kỹ thuật phần mềm, v.v.
Công nghệ chiến lược: Gồm các ngành Công nghệ sinh học, Công nghệ nano, Công nghệ môi trường, Công nghệ vũ trụ, Công nghệ truyền thông đa phương tiện, Công nghệ thông tin - Khoa học dữ liệu, Công nghệ y sinh...
Điều kiện xét học bổng (dự kiến):
Kỳ đầu tiên, người học năm nhất cần đạt giải quốc gia trở lên ở các môn học phổ thông, hoặc đạt giải các cuộc thi khoa học kỹ thuật, khởi nghiệp sáng tạo. Đồng thời, học lực và hạnh kiểm lớp 12 phải từ loại khá trở lên.
Kể từ năm thứ hai, đối với sinh viên đạt loại khá: GPA ≥ 2,50, điểm rèn luyện ≥ 70 hoặc có đề tài/dự án đạt giải ba cấp quốc gia; Loại giỏi: GPA ≥ 3,20, điểm rèn luyện ≥ 75 hoặc đạt giải nhì; Loại xuất sắc: GPA ≥ 3,60, điểm rèn luyện ≥ 80 hoặc có đề tài/dự án đạt giải nhất quốc gia hoặc có giải quốc tế.
![]() |
3 nhóm ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược được đề xuất hỗ trợ cho sinh viên lên tới 3,63 triệu đồng/tháng. Ảnh: Tổng hợp |
Theo Bộ GD-ĐT, các ngành khoa học cơ bản, kỹ thuật then chốt và công nghệ chiến lược giữ vai trò chủ lực trong thúc đẩy đổi mới sáng tạo, gia tăng năng lực sản xuất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, nguồn nhân lực trong các lĩnh vực này vẫn đang thiếu cả về số lượng lẫn chất lượng, đặc biệt là đội ngũ kỹ sư, nhà khoa học trẻ có nền tảng vững chắc và kỹ năng thực hành.
Bối cảnh đó đòi hỏi Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cụ thể, hấp dẫn, để thu hút người học tài năng – nhất là các em có hoàn cảnh khó khăn – gắn bó với khối ngành STEM.
Thống kê cho thấy, vài năm trở lại đây, số sinh viên theo học các ngành STEM tại Việt Nam tăng trung bình 10% mỗi năm. Hiện tại, khối ngành này chiếm khoảng 27-29% tổng số sinh viên toàn quốc (tương đương 560.000 – 600.000 người). Trong khi đó, con số này tại Singapore, Malaysia đạt lần lượt 46% và 50%; Hàn Quốc, Phần Lan, Đức dao động trong khoảng 35-39%.
Việt Nam đặt mục tiêu nâng quy mô đào tạo lĩnh vực STEM lên trên 1 triệu người học vào năm 2030. Riêng nhóm ngành Công nghệ thông tin, Truyền thông và Công nghệ số dự kiến sẽ chiếm tới 60% trong tổng số này.